Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ hai, 13/05/2024 | 08:58 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Tin tức

Nhịp đập năng lượng ngày 18/10/2023

21/10/2023
Các nước EU nhất trí cải cách trợ cấp thị trường điện; Thế giới phải bổ sung hoặc thay thế 80 triệu km đường dây truyền tải điện trước năm 2040; Trung Quốc yêu cầu các nhà cung cấp khí đốt lấp đầy bể chứa trước mùa đông… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 18/10/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn
Các nước EU nhất trí cải cách trợ cấp thị trường điện
Ngày 17/10, Bộ Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera cho biết Bộ trưởng năng lượng các nước Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí cải cách việc trợ cấp thị trường điện. Theo bộ trên, các nước EU nhất trí một phần trong đề xuất pháp lý mới của Ủy ban châu Âu (EC), đó là diễn giải cách sử dụng trợ cấp nhà nước cho các dự án điện - vấn đề gây tranh cãi do những quan ngại, đặc biệt từ phía Đức, rằng việc trợ cấp có thể bóp méo cạnh tranh trên thị trường.
Trong một đề xuất mang tính thỏa hiệp, tất cả các khoản trợ cấp nhà nước trong tương lai cho các nhà máy điện hạt nhân và năng lượng tái tạo phải áp dụng hình thức các khoản trợ cấp "hợp đồng chênh lệch" dựa trên định giá năng lượng. Tuy nhiên, các chính phủ vẫn có thể trao những hợp đồng như vậy cho các nhà máy điện hiện có khi thực hiện những khoản đầu tư đáng kể nhằm nâng công suất hoạt động hoặc kéo dài tuổi thọ của các nhà máy đó.
Đề xuất cũng đã bổ sung các điều kiện để xoa dịu quan ngại của Đức và các nước khác. Theo đó, các khoản trợ cấp phải bảo đảm việc sử dụng nguồn thu từ các chương trình này - chẳng hạn như phân phối tiền mặt để hỗ trợ các ngành công nghiệp địa phương - không bóp méo tính cạnh tranh hoặc hoạt động thương mại tại EU.
Thế giới phải bổ sung hoặc thay thế 80 triệu km đường dây truyền tải điện trước năm 2040
Theo một báo cáo mới được Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố hôm 17/10, thế giới phải bổ sung hoặc thay thế 80 triệu km đường dây truyền tải trước năm 2040 để các nước đáp ứng các mục tiêu về khí hậu và đạt được các ưu tiên về an ninh năng lượng.
IEA cho biết, việc tăng quy mô trong việc xây dựng đường dây truyền tải trên toàn cầu sẽ đòi hỏi khoản đầu tư vào lưới điện hơn 600 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030, gấp đôi mức đầu tư hiện nay. Nó cũng sẽ đòi hỏi những thay đổi trong cách thức vận hành và điều tiết lưới điện ở mỗi quốc gia. Theo IEA, sự tập trung toàn cầu vào một số công nghệ năng lượng sạch - bao gồm gió, mặt trời, xe điện và máy bơm nhiệt - rất ấn tượng, nhưng đầu tư vào đường dây truyền tải vẫn chưa đủ và cuối cùng sẽ trở thành nút thắt lớn.
“Tiến bộ về năng lượng sạch gần đây mà chúng tôi thấy ở nhiều quốc gia là chưa từng có và dẫn tới sự lạc quan, nhưng nó có thể gặp nguy hiểm nếu chính phủ và doanh nghiệp không cùng nhau đảm bảo lưới điện thế giới sẵn sàng cho nền kinh tế năng lượng toàn cầu mới, đó là vấn đề đang nổi lên nhanh chóng”, Fatih Birol, Giám đốc điều hành của IEA cho biết.
Trung Quốc yêu cầu các nhà cung cấp khí đốt lấp đầy bể chứa trước mùa đông
Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc (NEA) cho biết nhu cầu khí đốt của quốc gia này đang gia tăng và mặc dù thị trường trong nước “nhìn chung cân bằng”, tuy nhiên các nhà cung cấp lớn cần nỗ lực hết sức để giữ ấm cho các ngôi nhà trong mùa đông và đối phó với bất kỳ sự phức tạp nào đối với nguồn cung quốc tế, cơ quan này cho biết trong một tuyên bố vào ngày 17/10.
Các công ty hàng đầu PetroChina Co., Sinopec và Cnooc Ltd., cùng với nhà điều hành đường ống thuộc sở hữu nhà nước PipeChina được yêu cầu tăng sản lượng, ổn định giá cả và lấp đầy bể chứa. NEA cho biết, các công ty này cũng sẽ phải bảo đảm khối lượng cung cấp theo hợp đồng cho những khách hàng chính và tuân theo cơ chế định giá dựa trên thị trường.
Bắc Kinh đã nới lỏng giới hạn giá bán khí đốt khi nhu cầu cải thiện sau đại dịch và hoạt động công nghiệp mở rộng. Tiêu thụ tăng 7,4% trong 8 tháng đầu năm, trong khi nhập khẩu LNG tăng 12%. PetroChina cho biết họ đã tăng bơm khí đốt lên mức cao nhất mọi thời đại vào các kho lưu trữ ngầm cung cấp cho miền Bắc Trung Quốc, theo một tuyên bố. Mùa sưởi ấm của Trung Quốc sắp bắt đầu ở một số thành phố phía bắc.
Saudi Aramco đầu tư thêm vào LNG để giành vị trí dẫn đầu
Giám đốc điều hành tập đoàn dầu mỏ Aramco của Ả Rập Xê-út, Amin Nasser cho biết, công ty của ông có kế hoạch đầu tư nhiều hơn vào khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) để củng cố kế hoạch trở thành tập đoàn dẫn đầu thị trường khí đốt hàng hải.
"LNG rất quan trọng và chúng tôi đang xem xét các khoản đầu tư bổ sung để trở thành một trong những công ty LNG hàng đầu trên thị trường", ông Nasser cho biết tại Hội nghị Tình báo Năng lượng diễn ra hôm 17/10.
Vào tháng 9, Aramco cho biết họ đã đồng ý mua lại cổ phần thiểu số chiến lược của công ty LNG MidOcean Energy với giá 500 triệu USD, kèm theo tùy chọn tăng quy mô cổ phần. Aramco cũng đã cân nhắc việc mua cổ phần tại Port Arthur LNG ở Mỹ - một gã khổng lồ trong ngành dầu mỏ cũng đang kinh doanh LNG.
Hai tập đoàn Trung Quốc đầu tư lớn vào hydro xanh tại Ai Cập
Theo tuyên bố của Chính phủ Ai Cập ngày 17/10, Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) của Ai Cập đã ký các thỏa thuận với những tập đoàn năng lượng Trung Quốc nhằm xây dựng một nhà máy sản xuất hydro xanh và một khu phức hợp sản xuất kali clorua, với tổng vốn đầu tư là 14,75 tỷ USD. Những thỏa thuận này đã được ký kết trong diễn đàn "Con đường tơ lụa mới" tại Bắc Kinh.
Thỏa thuận đầu tiên được ký với Tập đoàn China Energy, quy định về việc xây dựng một nhà máy hydro xanh và amoniac xanh với khoản đầu tư 6,75 tỷ USD. Nhà máy sẽ được xây dựng trên khu đất rộng 500.000 m2 trong khu công nghiệp Aïn Sokhna (cách Cairo 116 km về phía đông nam) và dự kiến sẽ sản xuất 210.000 tấn hydro xanh và 1,2 triệu tấn amoniac xanh.
Thỏa thuận thứ hai được ký với United Energy Group, một tập đoàn niêm yết tại Hồng Kông, nhằm thiết lập một khu phức hợp sản xuất kali clorua. Các hệ thống quang điện có tổng công suất tích lũy 6,1 GW sẽ được xây dựng gần đó để cung cấp điện cho khu phức hợp công nghiệp này. Ước tính tổng chi phí của dự án là 8 tỷ USD.
Theo PetroTimes

Cùng chuyên mục

TKV: Đẩy mạnh cơ giới hoá đào lò

13/05/2024

Cuối năm 2019, Công ty CP Than Vàng Danh áp dụng thí điểm sáng kiến nâng cao năng suất đào lò, khai thác than bằng cách sử dụng máy Combai EBH-45 (máy đào lò EBH-45). Đến nay, sau gần 5 năm đưa vào sản xuất đã giúp đơn vị nâng cao tốc độ đào lò, năng suất lao động và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Hiện Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang khuyến khích các đơn vị nhân rộng máy đào lò EBH-45.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151