Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ bảy, 04/05/2024 | 11:04 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Tin tức

Nhịp đập năng lượng ngày 20/10/2023

21/10/2023
Aramco muốn đến khảo sát thị trường dầu khí Việt Nam; Singapore xây dựng cơ sở lưu trữ năng lượng nổi đầu tiên ở Đông Nam Á; Mỹ tìm cách mua 6 triệu thùng dầu dự trữ vào tháng 1/2024… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 20/10/2023.
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn
Aramco muốn đến khảo sát thị trường dầu khí Việt Nam
Trong buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào chiều 19/10 (giờ địa phương) nhân dịp Thủ tướng tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), Tập đoàn Aramco, một tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới bày tỏ mong muốn được đầu tư vào Việt Nam, trước hết là cho phép đoàn kỹ thuật đến Việt Nam để khảo sát và tìm hiểu thị trường.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao việc tập đoàn tham gia đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí, đặc biệt là những dự án lọc hóa dầu lớn của Việt Nam; phát triển hợp tác thương mại trong lĩnh vực dầu khí, hóa chất từ dầu khí như hạt nhựa, phân bón… Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Aramco tạo điều kiện cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) tham gia các hoạt động cung cấp dịch vụ dầu khí tại Saudi Arabia, tìm các dự án lớn để cùng đầu tư và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực dầu khí.
Saudi Aramco là tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới và nhiều thời điểm giữ vị trí công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất toàn cầu. Năm 2022, Tập đoàn dầu khí Aramco của Saudi Arabia đạt lợi nhuận kỷ lục hơn 161 tỉ đô la Mỹ, tăng 46% so với mức 110 tỉ đô la năm 2021. Tập đoàn đang hướng tới đầu tư vào công nghệ mới phát thải carbon thấp, giúp hạn chế lượng khí thải gây ô nhiễm…
Singapore xây dựng cơ sở lưu trữ năng lượng nổi đầu tiên ở Đông Nam Á
Ngày 19/10, công ty giải pháp năng lượng và hàng hải Seatrium Ltd cho biết họ đã hoàn tất việc lắp đặt Hệ thống lưu trữ năng lượng nổi (ESS) tại Singapore, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý I/2024.
Đây là hệ thống ESS nổi và xếp chồng đầu tiên ở Đông Nam Á do Seatrium và Cơ quan Điều tiết Thị trường Năng lượng Singapore (EMA) hợp tác xây dựng. Hệ thống lưu trữ năng lượng này có chức năng như một bể chứa, dùng để lưu trữ năng lượng dư thừa trong thời điểm nhu cầu thấp và giải phóng nó trong thời điểm nhu cầu tăng cao.
Seatrium cho biết giải pháp năng lượng nổi và xếp chồng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết tình trạng diện tích đất hạn hẹp ở Singapore. Cơ sở này có công suất lưu trữ tối đa 7,5 megawatt giờ (MWh) và có thể đáp ứng nhu cầu điện của "hơn 600 hộ gia đình trong một ngày".
Mỹ tìm cách mua 6 triệu thùng dầu dự trữ vào tháng 1/2024
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden hy vọng sẽ mua đủ 6 triệu thùng dầu thô để giao cho Cục Dự trữ Dầu khí Chiến lược vào tháng 12 và tháng 1 năm sau, khi nước này tiếp tục kế hoạch bổ sung kho dự trữ khẩn cấp, Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) cho biết ngày 19/10.
Bộ Năng lượng Mỹ hy vọng sẽ ký được hợp đồng mua dầu với giá 79 USD/thùng hoặc thấp hơn, tăng so với phạm vi trước đó là khoảng 70 USD/thùng, nhưng vẫn thấp hơn mức giá dầu giao sau chuẩn hiện tại của Mỹ là khoảng 90 USD/thùng.
Năm ngoái, chính quyền đã tiến hành đợt bán lớn nhất từ trước đến nay từ Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) - 180 triệu thùng. Chính quyền Biden cho biết họ hy vọng chiến lược mua lại của mình sẽ mang lại lợi nhuận lớn cho người nộp thuế, vì dầu được bán với giá khoảng 95 USD/thùng và có thể mua lại với giá rẻ hơn.
Venezuela bắt đầu liên hệ nối lại việc bán dầu
Công ty dầu mỏ nhà nước Venezuela PDVSA đã bắt đầu liên hệ với khách hàng về các hợp đồng cung cấp dầu thô, trong bối cảnh tạm thời được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ, hai người quen thuộc với vấn đề này cho biết hôm 19/10.
Nước này sẽ chuyển sang tiếp tục bán dầu lấy tiền mặt cho các nhà máy lọc dầu toàn cầu sau khi Mỹ đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế đối với Venezuela trong 6 tháng để khai thác, bán và xuất khẩu dầu sang các thị trường đã chọn của họ.
Việc nới lỏng rộng rãi các lệnh trừng phạt sẽ giúp một số dầu thô của Venezuela chảy đến các khách hàng trước đây bị cấm giao dịch.
Nga tăng cường cung cấp khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc
Nga chuẩn bị tăng thêm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc sau khi tập đoàn nhà nước Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) ký thỏa thuận về việc cung cấp thêm khối lượng khí đốt của Nga cho Trung Quốc cho đến cuối năm 2023.
Hãng thông tấn Nga Interfax ngày 19/10 cho hay, việc giao hàng, thông qua đường ống Power of Siberia từ Nga đến Trung Quốc, sẽ được thực hiện theo một phụ lục của thỏa thuận mua bán khí đốt cho năm 2023. Đầu năm nay, Alexey Miller, giám đốc điều hành của Gazprom, cho biết gã khổng lồ khí đốt của Nga chiếm hơn một nửa mức tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay.
"Chúng tôi thấy rằng thị trường khí đốt Trung Quốc đang phát triển. Nhập khẩu khí đốt của Trung Quốc đã tăng trong 8 tháng năm nay. Và hơn một nửa sự gia tăng nguồn cung cấp này nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc là do Gazprom cung cấp", giám đốc điều hành của Gazprom đưa ra nhận định hồi cuối tháng 8 vừa qua.
Theo Petrotimes 

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151