Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Chủ nhật, 12/05/2024 | 17:06 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Giám sát cung cấp điện

Cấp điện nông thôn miền núi, hải đảo 2021- 2025: Tạo xung lực cho phát triển kinh tế các địa phương

10/11/2023
Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo đã mang điện quốc gia đến cho người dân vùng khó khăn, đóng góp vào tăng trưởng chung của các địa phương.
Thay đổi diện mạo nông thôn
Đưa điện về nông thôn miền núi, hải đảo là chủ trương được Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm, tạo bước phát triển quan trọng trong công cuộc điện khí hóa. Thời gian qua, chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo của Việt Nam không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn đóng góp vào phát triển bền vững cho khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo.
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 phê duyệt Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020, sau đó là Quyết định số 1740/QĐ-TTg năm 2018 phê duyệt Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020 có thể được xem là chặng đường cuối cùng cho Chương trình điện khí hóa nông thôn của Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, giai đoạn 2016-2020, huy động vốn ngân sách trung ương cho chương trình là 4.743 tỷ đồng cùng với vốn đối ứng của các chủ đầu tư. Chương trình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: 17/17 xã được cấp điện đạt 100% kế hoạch đề ra; cấp điện cho các đảo: Lý Sơn (Quảng Ngãi), Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Nhơn Châu (Bình Định), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), đảo Trần và Cái Chiên (Quảng Ninh). Số hộ dân được cấp điện từ các nguồn trong giai đoạn vừa qua là 204.737/1.076.000, đạt 19% trên địa bàn 3.079 thôn, bản thuộc 1.107 xã.
Có thể khẳng định, điện khí hóa nông thôn là một trong những thành tựu quan trọng, nổi bật của Việt Nam; thành công trong việc cung cấp điện cho hơn 17 triệu hộ dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tại khu vực nông thôn, tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện tính đến 31/12/2019 đạt 99,26%; chỉ còn khoảng 0,74% số hộ dân nông thôn chưa được tiếp cận điện.
Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hiện nay, mức độ phủ điện của Việt Nam cao hơn một số nước trong khu vực. EVN đã cấp điện đến 100% số xã. Số hộ dân có điện, sử dụng điện tăng từ 97,31%, tương ứng 19 triệu hộ (năm 2010) lên 99,47%, tương ứng 27,41 triệu hộ (tháng 6/2019). Trong đó, số hộ dân nông thôn có điện sử dụng tăng từ 96,29%, tương ứng 13,26 triệu hộ (năm 2010) lên 99,18%, tương ứng 16,98 triệu hộ (tháng 6/2019).
Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo của Việt Nam không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn đóng góp vào phát triển bền vững cho khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo
Việc đầu tư phát triển điện khí hóa nông thôn trong 10 năm qua đã thay đổi đáng kể tình hình cung cấp điện về vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Theo Phó tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm: 10 năm trước, ở nhiều vùng nông thôn, hệ thống lưới điện ở tình trạng xập xệ, cột tre, cột gỗ, dây dẫn nhỏ, chắp vá. Tới nay, tình trạng trên không còn, lưới điện được chỉnh trang, các hộ dân được cung cấp điện ổn định, an toàn. Trước đây có nhiều mô hình quản lý điện nông thôn không đủ khả năng chuyên môn, như: Ban điện xã, tổ điện dân lập, tư nhân đầu tư… thì tới nay đã có hơn 92% xã do ngành điện quản lý bán điện trực tiếp. Theo đó, người dân được mua điện theo đúng giá quy định của Chính phủ và hưởng các dịch vụ điện trực tiếp do ngành điện cung cấp mà không phải chịu giá điện cao như trước đây (4.000-6.000 đồng/kWh). “Từ chương trình hiện đại hóa lưới điện nông thôn, nguồn điện ổn định, chất lượng, an toàn, người dân nông thôn có điều kiện áp dụng thành tựu khoa học công nghệ, thúc đẩy sản xuất phát triển, đồng thời mở rộng ngành nghề kinh doanh dịch vụ, tiến tới xóa đói, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới”, ông Võ Quang Lâm nhấn mạnh.
Có thể thấy rất rõ hiệu quả của việc đưa điện về nông thôn qua sự thay đổi sâu sắc trong cuộc sống hàng ngày của người nông dân; từ việc giúp người dân thay đổi cơ cấu kinh tế, thay đổi qui mô và tập quán canh tác, chăn nuôi, tăng năng suất trồng trọt, và chế biến nông lâm sản, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương, dưới góc nhìn địa phương, lãnh đạo tỉnh Sơn La cho biết, Sơn La đã đưa nhiệm vụ cấp điện nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm, là chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020. Đến năm 2020, dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Sơn La đã đầu tư cấp mới cho 16.528 hộ dân; nâng cấp điện an toàn cho 1.012 hộ dân; nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện trên địa bàn từ 86,7% năm 2015 lên 97,5% năm 2020.
Những kết quả này đã đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,46% của tỉnh Sơn La giai đoạn 2016-2020, trong đó riêng năm 2020 đạt 6,08%, xếp thứ 3/14 tỉnh, thành vùng trung du và miền núi phía Bắc và xếp thứ 12 cả nước.
Phấn đấu đến năm 2025 triển khai cấp điện cho gần 900.000 hộ dân
Mặc dù Chương trình điện khí hóa nông thôn đã lập được kỳ tích nhưng vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước. Ví dụ việc triển khai các dự án cấp điện cho cộng đồng chưa nối lưới ở vùng sâu vùng xa còn gặp nhiều khó khăn; nhiều dự án quốc tế phải trì hoãn do một số rào cản về các vấn đề chính sách, cơ chế hỗ trợ, tài chính.
Hiện, vẫn còn khoảng 154 nghìn hộ dân chưa có điện, hơn 717 nghìn hộ dân có điện nhưng không ổn định. Mặt khác, một số đảo như: Cồn Cỏ (Quảng Trị); Thổ Chu, An Sơn và Nam Du (Kiên Giang); Côn Ðảo (Bà Rịa - Vũng Tàu); các thôn đảo Ninh Tân, Ninh Ðảo, Ðiệp Sơn, Bích Ðầm ở Khánh Hòa... chưa có điện lưới. Ðây là các khu vực biên giới và hải đảo, có ý nghĩa an ninh - quốc phòng quan trọng.
Trước thực trạng trên, Bộ Công Thương kiến nghị Quốc hội, Chính phủ kéo dài Chương trình Cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo sang giai đoạn 2021-2025. Theo đó, chương trình sẽ triển khai cấp điện cho khoảng 871.263 hộ dân (trong đó, khoảng 153.911 hộ dân, chiếm tỷ lệ 0,74% chưa có điện; 717.352 hộ dân có điện nhưng cấp điện không ổn định, liên tục) của 6.811 thôn, bản trên địa bàn 2.197 xã; cấp điện 2.638 trạm bơm quy mô vừa và nhỏ tại 13 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long kết hợp cấp điện cho nhân dân; đề xuất bổ sung cấp điện lưới quốc gia hoặc các nguồn điện năng lượng tái tạo cho các đảo còn lại.
Ngày 15/6/2021, Bộ Công Thương trình Chính phủ phê duyệt Chương trình đầu tư công “Cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025” tại trình Tờ trình số 3462/TTr-BCT với mục tiêu đến năm 2025 hầu hết các hộ được sử dụng điện.
Với nỗ lực quyết tâm của Bộ Công Thương, trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) bày tỏ, tại Tờ trình số 3462/TTr-BCT của Bộ Công Thương về đề nghị phê duyệt Chương trình đầu tư công cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu đến năm 2025 đầu tư cấp điện cho 911.400 hộ dân tại 14.676 thôn bản, trên địa bàn gần 3.100 xã trên cả nước. Tổng nguồn vốn khoảng 29.800 tỷ đồng. Số lượng hộ dân được thụ hưởng rất lớn, đa số là các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Nhưng đến thời điểm này, chương trình trên chưa được Chính phủ phê duyệt, do đó, không có cơ sở để đề xuất nguồn lực để hỗ trợ nguồn vốn thực hiện dự án cấp điện cho các thôn bản chưa có điện... Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện chưa cân đối được khoảng 20.883 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ này.

Hiện Bộ Công Thương tiếp tục đề xuất Chính phủ phê duyệt chương trình có sử dụng vốn của các tổ chức tín dụng, vốn vay ODA ưu đãi của các tổ chức quốc tế và huy động từ các nguồn lực xã hội khác để bổ sung nguồn lực cho chương trình.
Đại biểu Nguyễn Thị Huế kiến nghị cần quan tâm bố trí, cân đối nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để tiếp tục đầu tư, thực hiện việc cấp điện cho gần 2 triệu người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để. Từ đó, người dân có cơ hội được thụ hưởng những tiện ích do điện mang lại, giảm bớt thiệt thòi, góp phần nâng cao dân trí, an sinh xã hội, đem lại sự đổi mới, phát triển kinh tế khi có ánh sáng và nguồn điện đem lại.
“Đây cũng là chính sách nhân văn, ý nghĩa để chào mừng sự kiện tròn 40 năm thực hiện chính sách đổi mới của Đảng vào năm 2026”, đại biểu Nguyễn Thị Huế nhấn mạnh.
Thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện phương châm Nhà nước và Nhân dân, Trung ương và địa phương cùng làm để huy động được mọi nguồn lực trong xã hội, từ Trung ương đến địa phương và những người dân trong vùng dự án, huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa. Đồng thời, sử dụng tối ưu, hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, bao gồm hỗ trợ từ ngân sách trung ương và các nguồn ODA để đầu tư xây dựng các dự án thuộc Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo để đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đi đầu trên thế giới trong công tác đầu tư điện nông thôn.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, sau khi Kế hoạch thực hiện quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ triển khai xây dựng mới “Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo để cấp điện cho các hộ dân chưa có điện và cải tạo lưới điện thông thôn; thực hiện cung cấp điện từ lưới điện quốc gia, kết hợp với cung cấp điện từ nguồn năng lượng tái tạo cho khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo, phấn đấu 100% số hộ dân nông thôn có điện đến năm 2025”.
Theo Báo Công Thương 

Cùng chuyên mục

TP Hồ Chí Minh: Hàng loạt biển quảng cáo, trang trí lớn đã tắt điện sau 22 giờ

12/05/2024

Đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm điện, từ ngày 01/05 đến 30/06, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu tắt hoặc giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng quảng cáo, hệ thống chiếu sáng hành lang, bãi xe, khuôn viên, các khu vực công cộng từ 22 giờ; tắt toàn bộ hệ thống chiếu sáng trang trí từ 22 giờ để tiết kiệm điện.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151