Sau 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, hoàn thành các nội dung đề ra, Hội thảo khoa học quốc tế về Môi trường và Kỹ thuật điện – Châu Á 2023 (EEE-AM 2023) đã thành công rực rỡ.
Hội thảo lần này được tổ chức đã thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà sản xuất đến từ nhiều quốc gia. Các diễn giả đã đề cập các vấn đề khác nhau xoay quanh chủ đề của Hội thảo khoa học quốc tế là “Môi trường và Kỹ thuật điện – Châu Á 2023”.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS Đinh Văn Châu, Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực chia sẻ: Với hơn 150 báo cáo chuyên đề và những chia sẻ của các diễn giả, khách mời về các nội dung nghiên cứu đến ứng dụng trong lĩnh vực năng lượng; qua đó cùng nhau xây dựng ngành năng lượng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu ngày một xanh hơn, an toàn hơn. Đặc biệt đây cũng là trách nhiệm, mong ước của các nhà khoa học trong hội thảo để xây dựng một hành tinh xanh hơn.
PGS.TS Đinh Văn Châu phát biểu bế mạc hội thảo Theo PGS.TS Đinh Văn Châu, với sự khởi đầu thành công 3 ngày hội thảo, đây sẽ là bước tiến mạnh mẽ để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức cùng nhau đưa công nghệ, khoa học vào cuộc sống với sự bền vững trong phát triển năng lượng.
GS.TSKH Trần Quốc Tuấn- Đồng chủ trì hội thảo thông tin: Với chủ đề trên, Hội thảo đã được tổ chức ở châu Âu lần thứ 23, và đây là lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam.
“Các bài nghiên cứu được trình bày tại hội thảo sẽ được công nhận chỉ số ISI – điều này rất quan trọng để chúng ta đánh giá những công trình của một nhà khoa học”- GS. TSKH Trần Quốc Tuấn chia sẻ.
Theo đó, có hơn 200 bài nghiên cứu, tham luận của Việt Nam và trên thế giới gửi đến hội thảo, Ban tổ chức đã lựa chọn 153 bài với rất nhiều chủ đề nóng ở trên thế giới và Việt Nam như: Phát triển năng lượng tái tạo, làm thế nào để đảm bảo vận hành hệ thống lưới điện an toàn và ổn định trong điều kiện tỷ trọng năng lượng tái tạo trên lưới cao; thúc đẩy lưới điện thông minh để đáp ứng phát triển năng lượng tái tạo; vấn đề nghiên cứu về điện tử công suất, lưới điện, vật liệu…
GS.TSKH Trần Quốc Tuấn cũng cho hay, nếu sự kiện được tổ chức ở nước ngoài thông thường một cán bộ giảng dạy phải nộp phí rất lớn khoảng 700-800 Euro chưa kể các chi phí đi lại…còn tổ chức ở Việt Nam chúng ta sẽ huy động được tất cả nguồn lực trong khu vực, các chuyên gia sẽ đến chia sẻ kinh nghiệp, các nghiên cứu của mình.
“Tôi đã mời khoảng 20 người là bạn bè, các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới về lĩnh vực này với vai trò là diễn giả, điều này đã giúp tăng cường sự giao lưu giữa các tổ chức đào tạo nghiên cứu với các doanh nghiệp nhất là với ngành điện mà điển hình là Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc nắm bắt được xu thế và công nghệ lõi."- GS.TSKH Trần Quốc Tuấn nói.
Các đại biểu tham dự Hội thảo quốc tế về Môi trường và Kỹ thuật điện – Châu Á 2023 (EEE-AM 2023)TS Nguyễn Lê Cường -Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho biết: Hội thảo quốc tế về Môi trường và Kỹ thuật điện – Châu Á 2023 (EEE-AM 2023) là một hội thảo quốc tế lớn được sự bảo trợ về kỹ thuật của Hội kỹ sư Điện và Điện tử -IEEE tại Việt Nam và Hiệp hội ứng dụng công nghiệp IEEE đồng tổ chức cùng một số tổ chức quốc tế khác. Hội thảo đã thu hút nhiều nhà khoa học từ trong và ngoài nước đến tham dự. Nhiều báo cáo khoa học có giá trị đã được trình bày tại hội thảo nhận được nhiều sự quan tâm của nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ quản lý, người làm chính sách, doanh nghiệp, cán bộ giảng dạy cho đến các em sinh viên, giảng viên.
Trong 3 ngày diễn ra hội thảo, các phiên thảo luận diễn ra hết sức sôi nổi, những thông tin được trao đổi, trình bày tại hội thảo là nguồn thông tin quý giá, góp phần vào nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực tại Trường Đại học Điện lực nói riêng và cho đại biểu tham gia hội thảo nói chung.
“Đây cũng là nguồn thông tin quý để các cơ quan quản lý tham khảo trong hoạch định chính sách đến định hướng cho nghiên cứu khoa học và đào tạo, những kết quả đó sẽ đóng góp lớn vào quá trình chuyển dịch năng lượng để chúng ta sử dụng năng lượng bền vững và hiệu quả hơn.”- TS Nguyễn Lê Cường cho hay.
Hội thảo đã mang đến cho các nhà sản xuất, những đơn vị làm trong ngành năng lượng cũng như các nhà nhà khoa học ở các trường đại học những nghiên cứu liên quan đến công nghệ năng lượng tái tạo qua đó cùng nhau thảo luận để hiểu sâu sắc hơn đến hệ thống năng lượng và các vấn đề môi trường; chính sách năng lượng, thị trường điện và các quy định, tiêu chuẩn; năng lượng tái tạo và hệ thống lưu trữ; hệ thống điện và lưới điện thông minh; bảo vệ môi trường; điện tử công suất và kết cấu điện tử; giáo dục và đào tạo trong lĩnh vực năng lượng,…
Hội thảo là diễn đàn quan trọng, có ý nghĩa thiết thực để đông đảo các học giả, nhà khoa học, chuyên gia uy tín đến từ nhiều quốc gia chia sẻ về các vấn đề môi trường và kỹ thuật điện, nhìn nhận đánh giá nhiều chiều cạnh trong lĩnh vực năng lượng gắn với bối cảnh chung của thế giới hiện nay, từ đó đề xuất các định hướng, chiến lược, giải pháp chính sách để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững đối với các quốc gia. Với nhiều nhà khoa học trên thế giới cũng như Việt Nam đã đến tham dự và chia sẻ những nội dung thực tiễn, trao đổi ý tưởng và thông tin về các hệ thống năng lượng.
PGS.TS Đinh Văn Châu (trái) đã công bố, trao quyết định phong tặng danh hiệu Giáo sư danh dự trường Đại học Điện lực cho GS. TSKH Trần Quốc Tuấn Cũng tại Lễ Bế mạc, PGS.TS Đinh Văn Châu, Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực đã đại diện Nhà trường đã công bố, trao quyết định phong tặng danh hiệu Giáo sư danh dự trường Đại học Điện lực cho GS. TSKH Trần Quốc Tuấn, Đại học Quốc gia Khoa học và Công nghệ Hạt nhân (INSTN), Đại học Paris Saclay, Giám đốc nghiên cứu Giám đốc nghiên cứu tại Cao ủy về Năng lượng hạt nhân và Năng lượng thay thế, ông cũng là diễn giả chính tại Hội thảo khoa học quốc tế “Môi trường và Kỹ thuật điện – Châu Á 2023” (EEE-AM 2023) lần này.
GS.TSKH Trần Quốc Tuấn là người đã có nhiều công lao đóng góp cho sự phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam nói chung cũng như cho sự nghiệp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành điện Việt Nam và Trường Đại học Điện lực nói riêng.
Tại buổi lễ phong tặng danh hiệu Giáo sư danh dự, PGS.TS Đinh Văn Châu khẳng định, trong nhiều năm qua, GS.TSKH Trần Quốc Tuấn đã tham gia vào công tác đào tạo, nghiên cứu tại Trường Đại học Điện lực, từ năm 2006 đến nay, GS. TSKH Trần Quốc Tuấn đã trực tiếp giảng dạy, cố vấn khoa học cho các khóa đào tạo giảng viên, các lớp cao học, các chương trình Tiến sĩ, các lớp Kỹ sư chất lượng cao với những chuyên đề: Lưới điện thông minh, Hệ thống điện, Điện mặt trời, Kết nối nguồn năng lượng tái tạo, Quản lý điều khiển năng lượng, Tích trữ năng lượng, Chuyển đổi số trong năng lượng..
Ông Nguyễn Tiến Khoa (trái), Chủ tịch Tổng công ty Phát điện 1 đã tặng lẵng hoa chúc mừng GS.TSKH Trần Quốc Tuấn Đồng thời, GS. TSKH Trần Quốc Tuấn cũng là người phụ trách và tổ chức triển khai các hợp tác về đào tạo nghien cứu sinh giữa Grenoble-INP với Trường Đại học Điện lực; Chủ trì và ký kết chương trình hợp tác, đồng chủ trì tổ chức các hội thảo khoa học hợp tác giữa Trường Đại học Quốc gia Khoa học và Công nghệ Hạt nhân – Đại học Paris Saclay và Cao ủy về Năng lượng hạt nhân và năng lượng thay thế với Trường Đại học Điện lực. Ông cũng đã hướng dẫn hơn 50 luận án tiến sĩ ở Pháp và trên thế giới với 24 nghiên cứu sinh Việt Nam trong đó có 03 nghiên cứu sinh của Trường Đại học Điện lực.
“Danh hiệu Giáo sư danh dự của Trường Đại học Điện lực nhằm ghi nhận và vinh danh những thành tựu trong hoạt động khoa học, giảng dạy cũng như tình cảm sâu sắc và những đóng góp quý báu của GS.TSKH Trần Quốc Tuấn cho sự phát triển của Trường Đại học Điện lực”- PGS.TS Đinh Văn Châu khẳng định.
Thu Hường