Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ bảy, 04/05/2024 | 03:26 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Tin tức

Nhịp đập năng lượng ngày 8/12/2023

09/12/2023
Hơn 80 công trình điện được hoàn thành trong 11 tháng; Nga hứa sẽ minh bạch hơn sau lời kêu gọi của OPEC+; Nhập khẩu dầu của Trung Quốc ghi nhận mức giảm hàng năm đầu tiên; Indonesia, Hàn Quốc thăm dò hợp tác trong lĩnh vực thu hồi và lưu trữ carbon… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 8/12/2023.
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn
Hơn 80 công trình điện được hoàn thành trong 11 tháng
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong 11 tháng năm 2023, EVN và các đơn vị đã khởi công 77 công trình; đồng thời hoàn thành đóng điện, đưa vào vận hành 84 công trình lưới điện từ 110 kV đến 500 kV; bao gồm: 01 công trình 500 kV, 14 công trình 220 kV và 69 công trình 110 kV. Các công trình có thể kể đến như: Đóng điện trạm biến áp 220 kV Phước Thái mở rộng, nhánh rẽ trạm biến áp 220 kV Krông Ana; đường dây mạch 2 Lương Sơn - Hòa Thắng - Mũi Né.. .
Theo EVN, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống trong tháng 11 đạt 23,22 tỷ kWh, tăng 8,2% so với cùng kỳ tháng 11/2022. Sản lượng ngày cao nhất trong tháng 11 đạt 824,4 triệu kWh, công suất cao nhất đạt 41.271 MW trong ngày 9/11. Lũy kế 11 tháng, sản lượng toàn hệ thống đạt 257,35 tỷ kWh, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng sản lượng thủy điện đạt: 74,57 tỷ kWh, chiếm 29%. Nhiệt điện than đạt 117,67 kWh, chiếm 45,7%. Trong đó, khai thác cao các nhà máy nhiệt điện miền Bắc và các nhà máy BOT, bảo đảm mục tiêu tích nước; turbine khí: 24,8 tỷ kWh, chiếm 9,6%; nhiệt điện dầu: 1,24 tỷ kWh, chiếm 0,5%. Đáng chú ý, năng lượng tái tạo: 34,7 tỷ kWh, chiếm 13,5% (trong đó điện mặt trời đạt 24,1 tỷ kWh, điện gió đạt 9,84 tỷ kWh).
Trong 11 tháng năm 2023, điện sản xuất của EVN và các Tổng Công ty Phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 106,27 tỷ kWh, chiếm 41,29% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống.
Nga hứa sẽ minh bạch hơn sau lời kêu gọi của OPEC+
Kể từ khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga đã phân loại dữ liệu khai thác và xuất khẩu dầu của mình, đồng thời cho biết họ sẽ không cung cấp thông tin chi tiết về lĩnh vực dầu mỏ của mình vì dữ liệu này có thể bị phương Tây sử dụng để theo dõi và kiểm soát hoạt động xuất khẩu dầu hoặc doanh thu từ dầu mỏ của nước này.
Trong cuộc gọi gần đây với 6 công ty theo dõi dòng dầu và cơ quan báo cáo giá, bao gồm Argus Media, Energy Intelligence, S&P Global Platts, Rystad, Kpler và Wood Mackenzie, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Pavel Sorokin đã đề nghị cung cấp thêm thông tin về sản lượng dầu của Moscow và xuất khẩu.
6 công ty này đã được Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) giao nhiệm vụ hợp tác với Nga để có dữ liệu minh bạch hơn nhằm đánh giá sự tuân thủ. Một trong những nguồn tin nói với Reuters: "Sorokin đang cố gắng thuyết phục những người theo dõi rằng Nga tuân thủ đầy đủ thỏa thuận".
Nhập khẩu dầu của Trung Quốc ghi nhận mức giảm hàng năm đầu tiên
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 11 giảm 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức giảm hàng năm đầu tiên về lượng dầu thô đến kể từ tháng 4 và có khả năng báo hiệu nhu cầu suy yếu.
Trung Quốc đã nhập khẩu 10,33 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong tháng 11, giảm hơn 1 triệu thùng/ngày so với mức nhập khẩu trong tháng 10, theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan công bố hôm 7/12. Lượng dầu thô đến từ Trung Quốc trong tháng 11 là thấp nhất kể từ tháng 7 năm nay và chứng kiến mức giảm đầu tiên so với cùng kỳ năm trước kể từ tháng 4.
Việc giảm nhập khẩu từ các nhà máy lọc dầu tư nhân, cũng như lĩnh vực sản xuất và bất động sản đang gặp khó khăn của Trung Quốc đã dẫn đến nhập khẩu dầu thô tháng 11 giảm so với cả tháng 10 và cùng kỳ năm ngoái.
Indonesia, Hàn Quốc thăm dò hợp tác trong lĩnh vực thu hồi và lưu trữ carbon
Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia (ESDM) đang tìm kiếm mối quan hệ đối tác với Hàn Quốc để phát triển các hoạt động thu hồi và lưu trữ carbon/thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCS/CCUS) để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (NZE) vào năm 2060 hoặc sớm hơn.
Tổng cục trưởng Dầu khí Tutuka Ariadhi cho biết, Indonesia đang tìm cách triển khai công nghệ CCS/CCUS trong 15 dự án dầu khí được triển khai từ Sumatra đến Papua, trong đó hầu hết các dự án đều đặt mục tiêu đi vào hoạt động vào năm 2030.
Ông Tutuka cho hay, tổng giá trị đầu tư của 12 dự án trên ước tính lên tới 7,97 tỷ USD. Do đó, Indonesia sẵn sàng thảo luận hợp tác về CCS/CCUS với phía Hàn Quốc trong khuôn khổ các hiệp định carbon xuyên biên giới.
WB cấp 5 tỷ USD cho châu Phi phát triển năng lượng tái tạo
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Ajay Banga ngày 6/12 tuyên bố rằng WB sẽ đầu tư lên đến 5 tỷ USD từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) để cung cấp "nguồn điện đáng tin, giá rẻ và có thể tái tạo" cho 100 triệu người dân châu Phi đến cuối thập niên này.
Theo WB, hiện có khoảng 600 triệu người không tiếp cận được với mạng lưới điện trên toàn lục địa, mặc dù đây là một yếu tố thiết yếu để phát triển kinh tế và tạo việc làm. Ông Banga nhấn mạnh rằng việc cung cấp năng lượng sạch và tái tạo sẽ giúp WB đạt được mục tiêu xóa đói giảm nghèo trên "một hành tinh sống".
Ngoài cam kết 5 tỷ USD từ IDA, WB hy vọng sẽ huy động được thêm 10 tỷ USD đầu tư công và tư để hỗ trợ dự án. Dự án này liên quan đến việc hiện đại hóa cũng như cải thiện mức độ đáng tin của mạng lưới điện hiện có, đồng thời xây dựng các nhà máy điện mặt trời và tăng cường thương mại năng lượng xuyên biên giới.
Ukraine nhập khẩu điện khẩn cấp do nhiệt độ giảm
Ngày 7/12, chính phủ Ukraine buộc phải yêu cầu hỗ trợ nhập khẩu điện khẩn cấp từ Ba Lan, Slovakia và Romania do nhiệt độ hạ thấp khiến nhu cầu sưởi của người dân tăng cao, từ đó gây ra tình trạng thiếu điện.
Thông điệp từ công ty năng lượng nhà nước Ukraine Ukrenergo gửi tới khách hàng trên cả nước ngày 7/12 cho biết: “Từ 11 giờ đến 19 giờ, lượng điện nhập khẩu khẩn cấp từ Slovakia, Romania và Ba Lan sẽ được sử dụng để cân bằng hệ thống năng lượng”. Hiện công ty vẫn chưa lên kế hoạch hạn chế sử dụng năng lượng, tuy nhiên người dân Ukraine được khuyến khích sử dụng một cách tiết kiệm hết sức có thể để đảm bảo lưới điện không bị quá tải thêm.
Trước đó, vào cuối tháng 11, Ukrenergo đã đưa ra cảnh báo về “tình thế khó khăn” của hệ thống năng lượng quốc gia. “Các nhà máy điện không thể sản xuất đủ điện để đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng: các nhà máy điện mặt trời gần như không hoạt động do mây dày đặc ở khắp các vùng, còn tại các nhà máy điện than, một số tổ máy vẫn đang trong quá trình sửa chữa”, Ukrenergo cho biết.
Theo Petrotimes 

Cùng chuyên mục

Bộ Công Thương tổ chức hội nghị góp ý Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)

03/05/2024

Sáng 3/5/2024, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) khu vực các tỉnh phía Bắc. Hội nghị sẽ diễn ra liên tục trong 2 ngày 3-4/5 để thảo luận về những nội dung cơ bản của Dự thảo này.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151