Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ sáu, 10/05/2024 | 20:34 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Tin tức

Nhịp đập năng lượng ngày 9/12/2023

09/12/2023
Bộ Công Thương phê duyệt kế hoạch cung cấp điện năm 2024; Liên Hợp Quốc công bố dự thảo hội nghị COP28 với nhiều lựa chọn về loại bỏ nhiên liệu hóa thạch; Đức, EU giúp Ukraine tự chủ về năng lượng… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 9/12/2023.


Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn
Bộ Công Thương phê duyệt kế hoạch cung cấp điện năm 2024
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 3110/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 để các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể bảo đảm cung ứng điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Theo đó, dự báo năm 2024, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu của toàn quốc là 306,259 tỷ kWh; trong đó mùa khô là 148,489 tỷ kWh và mùa mưa là 157,769 tỷ kWh. Các nguồn điện than, thủy điện và nguồn điện turbine khí vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia năm 2024. Các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục được huy động theo nhu cầu phụ tải điện và khả năng hấp thụ của lưới điện.
Bộ Công Thương đã giao nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cùng các đơn vị liên quan trong việc bảo đảm cung cấp đủ nhiên liệu than, khí, dầu; bảo đảm độ sẵn sàng, khả dụng cao của các tổ máy phát điện. Đồng thời lập các kế hoạch cung cấp điện chi tiết, cụ thể cho từng tháng, từng tuần; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng đang thực hiện và các dự án có trong kế hoạch được phê duyệt bảo đảm giải tỏa công suất cho các nguồn điện, giảm tải cho các đường dây, máy biến áp đang phải vận hành đầy và quá tải...
Việt Nam - Lào hội nghị về mua bán than
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ hai nước về tăng cường thúc đẩy hợp tác phát triển trong lĩnh vực năng lượng, cụ thể là nhập khẩu điện và than từ Lào, ngày 9/12, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị thúc đẩy hợp tác mua bán than giữa Việt Nam và Lào. Đại diện lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp hai nước đã báo cáo về tình hình cung ứng điện và nhập khẩu than trong năm 2023. Cùng đó, nêu khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp, kiến nghị với Bộ Công Thương trong hoạt động nhập khẩu điện và than từ Lào.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu EVN căn cứ nhu cầu, khả năng nhập khẩu điện từ Lào khẩn trương nghiên cứu, đề xuất trong tháng 12/2023 về việc triển khai đường dây truyền tải mới từ Lào về Việt Nam để kêu gọi đầu tư nhằm nâng công suất nhập khẩu điện từ Lào; TKV chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan đề xuất cơ chế đặc thù cho nhập khẩu than, nhất là nhập khẩu than từ Lào theo Hiệp định Liên Chính phủ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ hoặc các cấp có thẩm quyền; TKV và Tổng công ty Đông Bắc đề xuất cơ chế nhập (giá mua và bán) than từ Lào về Việt Nam; các giải pháp nâng cao năng lực tiếp nhận than về Việt Nam; ký hợp đồng nguyên tắc với đối tác Lào cụ thể về sản lượng và sẽ thực hiện ngay sau khi Hiệp định được thông qua.
Về phía Lào, Bộ trưởng đề nghị Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, đại diện đại sứ quán Lào tại Việt Nam và doanh nghiệp cung ứng than của Lào cần sớm báo cáo, đề xuất với Chính phủ Lào giảm thuế xuất khẩu than và các loại phí liên quan để giảm giá thành khi xuất sang Việt Nam; đầu tư, nâng cấp hoặc hỗ trợ doanh nghiệp hệ thống hạ tầng, kho bãi, vận chuyển than về Việt Nam.
Liên Hợp Quốc công bố dự thảo hội nghị COP28 với nhiều lựa chọn về loại bỏ nhiên liệu hóa thạch
Cơ quan khí hậu Liên Hợp Quốc đã công bố bản dự thảo mới về thỏa thuận COP28, trong đó bao gồm một loạt các lựa chọn về việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, vấn đề gây tranh cãi nhất tại hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra tại UAE.
Các lựa chọn trong dự thảo thỏa thuận kêu gọi các nước hành động mạnh mẽ hơn trong thập niên quan trọng này nhằm hướng tới: Loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch trên cơ sở trình độ khoa học tốt nhất hiện có, lộ trình giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5 độ C; Loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch trên cơ sở nhận thức được nhu cầu đạt mức tiêu thụ cao nhất trong thập niên này và ngành năng lượng là phải chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch trước năm 2050; Loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch để đạt được lượng CO2 ròng bằng 0 trong các hệ thống năng lượng vào khoảng giữa thế kỷ này; Không tiếp tục nói về việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong tương lai.
Dự thảo cũng đưa ra phương án “nhanh chóng loại bỏ năng lượng than trong thập niên này và chấm dứt ngay lập tức việc cho phép sản xuất điện than mới”. Ngoài ra, dự thảo đưa ra một lựa chọn kêu gọi “loại bỏ dần các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch”.
Trong những ngày tới, các nước tham dự hội nghị sẽ tập trung thảo luận về những lựa chọn này với hy vọng đạt được sự đồng thuận trước khi Hội nghị thượng đỉnh dự kiến kết thúc vào ngày 12/12.
Đức, EU giúp Ukraine tự chủ về năng lượng
Tại COP28, Đức, Ukraine và Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) đã công bố thông qua khoản tài trợ 20 triệu euro cho chương trình Renewable Energy Solution (Giải pháp Năng lượng Tái tạo - RES) tại Ukraine. Mục đích của chương trình là hỗ trợ những dự án năng lượng tái tạo ở các vùng đô thị của Ukraine, với đối tượng chủ yếu là các bệnh viện và trường học.
Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI) là bên thực hiện khoản quyên góp này. Số tiền sẽ được dùng để hỗ trợ cho Quỹ IKI trong công cuộc thúc đẩy năng lực tự chủ năng lượng của các tổ chức công của Ukraine, giúp họ theo đuổi các mục tiêu của Thỏa thuận Paris và kế hoạch hội nhập châu Âu của Ukraine.
Chương trình RES sẽ cung cấp một loạt các giải pháp năng lượng tái tạo vào các tòa nhà công cộng, bao gồm hệ thống năng lượng mặt trời, giải pháp sinh khối và máy bơm địa nhiệt. Những sáng kiến này, cùng với lưu trữ pin, sẽ cải thiện năng lực tự chủ năng lượng và khả năng phục hồi của cơ sở hạ tầng quan trọng, nhất là trong bối cảnh Nga có khả năng tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.
Shell đầu tư 6 tỷ USD vào khí đốt ngoài khơi Nigeria
Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Shell cam kết đầu tư 6 tỷ USD vào Nigeria, chủ yếu cho các dự án ngoài khơi về khí đốt tự nhiên và khí hóa lỏng (LNG), Văn phòng tổng thống Nigeria cho biết trong một tuyên bố hôm 8/12.
Sau cuộc gặp với tổng thống Nigeria Bola Tinubu ở thủ đô Abuja, đại diện của Shell, Zoe Yujnovich, đã công bố khoản đầu tư “sắp xảy ra” trị giá 5 tỷ USD vào dự án ngoài khơi Bonga North và cam kết đầu tư thêm 1 tỷ USD trong vòng 5 đến 10 năm tới vào lĩnh vực khí đốt tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), theo thông cáo báo chí. Tài liệu chính thức cho biết Shell đã cam kết đầu tư vào Nigeria, “đặc biệt khi công ty tập trung tái đầu tư vào các cơ hội mới và hiện có trong lĩnh vực nước sâu và khí đốt”.
Tổng thống Tinubu cho biết ông quyết tâm vượt qua những trở ngại đối với việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng trong nước. “Không một nút thắt nào có thể khiến chúng tôi từ bỏ hành trình quyết tâm hướng tới khát vọng biến Nigeria thành thiên đường đầu tư quy mô lớn ở châu Phi trong tất cả các lĩnh vực quan trọng”, nhà lãnh đạo Nigeria cho biết trong tuyên bố.
Theo Petrotimes 

Cùng chuyên mục

Gặp "Tùng inox" giữa buôn làng Tây Nguyên

10/05/2024

Nếu bạn là nam nhân và muốn sở hữu một "làn da inox" cuốn hút người khác (nói nhỏ...nhất là phụ nữ) vì đoán bạn là người rất rắn rỏi, can trường, bản lĩnh thì anh Nguyễn Ngọc Tùng, 42 tuổi, công nhân ngành điện lực ở huyện Cư M'Gar, tỉnh Đắk Lắk là một mẫu người rất đáng tham khảo.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151