Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ bảy, 04/05/2024 | 02:29 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Tin tức

Nhịp đập năng lượng ngày 17/12/2023

18/12/2023
Thủ tướng gỡ vướng dự án khí Ô Môn và lọc hóa dầu Nghi Sơn; Thương mại năng lượng Nga - Trung Quốc ngày càng bền chặt; Các hộ gia đình ở Anh nợ tiền điện và khí đốt kỷ lục 3 tỉ bảng… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 17/12/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn
Thủ tướng gỡ vướng dự án khí Ô Môn và lọc hóa dầu Nghi Sơn
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo 3 tập đoàn lớn của Nhật Bản gồm Mitsui/MOECO, Idemitsu và IHW để gỡ vướng cho các dự án tỉ USD.
Làm việc cùng ông Susumu Nibuya, Phó chủ tịch thường trực, Giám đốc điều hành Tập đoàn Idemitsu về tình hình Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thủ tướng đề nghị Idemitsu và các đối tác tiếp tục tái cấu trúc dự án, nâng cao hiệu quả quản trị, quy trình vận hành và ứng dụng công nghệ để giảm chi phí đầu vào, cắt lỗ càng sớm càng tốt. Ông Susumu Nibuya khẳng định các bên liên quan sẽ nghiêm túc hơn nữa trong triển khai tái cấu trúc dự án này.
Cùng ngày, Thủ tướng cũng gặp ông Hidenori Harada, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành MOECO - đối tác liên doanh tại dự án khí lô B - Ô Môn. Ông đề xuất một số giải pháp thúc đẩy dự án, trong đó có việc sớm sửa đổi các quy định tại 3 thông tư của Bộ Công Thương. Thủ tướng cho biết sẽ chỉ đạo Bộ Công Thương sửa đổi ngay các quy định liên quan còn vướng mắc và hoan nghênh các đề xuất của MOECO nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai Dự án Khí Lô B - Ô Môn.
Thủ tướng đề nghị MOECO tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các bộ, ngành để hoàn thiện các thủ tục liên quan, sớm triển khai dự án, đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả, đạt được mục tiêu cuối cùng của tất cả các bên, phải có dòng khí đầu tiên chậm nhất vào năm 2026.
Thương mại năng lượng Nga - Trung Quốc ngày càng bền chặt
Phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban liên Chính phủ Nga - Trung Quốc ở Bắc Kinh ngày 15/12, Phó Thủ tướng Alexander Novak tiết lộ Nga đã cung cấp nhiều dầu và các sản phẩm dầu mỏ cho Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm nay so với cả năm 2022, khi Moscow tăng cường hợp tác năng lượng với quốc gia châu Á này.
Ông cho biết Nga sẽ tăng cường hơn nữa nguồn cung năng lượng, đồng thời nói thêm rằng Moscow cũng muốn thu hút đầu tư và công nghệ của Trung Quốc vào lĩnh vực năng lượng của mình. “Chúng tôi cam kết hợp tác chặt chẽ nhất với phía Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng và trong mọi lĩnh vực hợp tác. Chúng tôi đang muốn thảo luận về việc tăng cường hơn nữa nguồn cung cấp tài nguyên năng lượng của Nga cho thị trường Trung Quốc, đồng thời thu hút đầu tư cũng như các giải pháp công nghệ tiên tiến cho tổ hợp nhiên liệu và năng lượng của Liên bang Nga”, Phó thủ tướng nêu rõ.
Ông Novak lưu ý, kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc đã vượt mục tiêu 200 tỉ USD do Moscow và Bắc Kinh đặt ra với 1/3 khối lượng đó là dành cho nguồn cung năng lượng.
Nga tăng tốc cung cấp dầu cho Trung Quốc
Các công ty dầu mỏ của Nga đã tăng cường xuất khẩu dầu thô ESPO (Đông Siberia - Thái Bình Dương) sang Trung Quốc thông qua cảng Kozmino.
Công ty phân tích năng lượng Kpler cho biết xuất khẩu dầu loại ESPO của Nga từ cảng Viễn Đông đạt mức cao nhất mọi thời đại, lên tới 925.000 thùng/ngày trong tháng 12/2023. Trong đó, 85% số thùng dầu được chuyển đến Trung Quốc. Các chuyên gia trong ngành cho rằng xu hướng gia tăng xuất khẩu loại dầu thô này là do nguồn cung đường sắt tăng.
Nikolay Tokarev, người đứng đầu Transneft, công ty vận tải đường ống dẫn dầu thuộc sở hữu nhà nước của Nga, cho biết hồi đầu năm 2023: “Chúng tôi đang chuẩn bị khôi phục hoạt động xuất khẩu dầu thô ESPO bằng đường sắt, trước đây chỉ có khoảng 15 triệu tấn dầu được vận chuyển bằng con đường này".
Theo Kommersant, các nhà xuất khẩu dầu của Nga hưởng lợi từ việc sản lượng dầu ESPO xuất khẩu tăng. Loại dầu thô này hiện đang được giao dịch ở mức cao hơn so với dầu hỗn hợp Urals hàng đầu của Nga. Ngoài ra, dầu ESPO còn đem lại lợi nhuận cao hơn các loại dầu khác do tuyến đường vận chuyển tới Trung Quốc tương đối ngắn.
Các hộ gia đình ở Anh nợ tiền điện và khí đốt kỷ lục 3 tỉ bảng
Các hộ gia đình ở Anh đang gánh khoản nợ tiền điện và khí đốt kỷ lục 3 tỉ bảng (3,8 tỉ đô la Mỹ). Điều này cho thấy tác động của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt vẫn đang diễn ra, với hóa đơn năng lượng còn tương đối cao. Số liệu trên được Cơ quan quản lý các thị trường khí đốt và điện của Anh (Ofgem) công bố ngày 15/12.
Theo Ofgem, đây được xem là khoản nợ xấu, khó thu hồi. Ofgem cho biết, ngân sách hộ gia đình hạn chế đã đẩy tổng số tiền nợ của họ với các nhà cung cấp năng lượng lên tới 400 triệu bảng kể từ giữa tháng 10. Vì vậy, Ofgem đã thông báo triển khai cuộc tham vấn về đề xuất hỗ trợ các nhà cung cấp bù đắp chi phí nợ cao hơn bằng cách tính thêm một khoản phụ phí vào tất cả các hóa đơn năng lượng của hộ gia đình. Các bên tham vấn bao gồm ngành năng lượng, các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng và người dân.
Khoản phụ phí này sẽ bổ sung thêm khoảng 16 bảng (20 đô la Mỹ) vào hóa đơn của mỗi hộ gia đình hàng năm thông qua việc điều chỉnh đơn giá cho mỗi đơn vị năng lượng (kWh). Ofgem giải thích, động thái này là cần thiết để bảo đảm tài chính cho các nhà cung cấp năng lượng và có thể hỗ trợ cho những hộ gia đình khó khăn.
Các nhà hoạt động chỉ trích đề xuất thu phụ phí mới nhất của Ofgem vì cho rằng các công ty năng lượng tiếp tục thu về hàng tỉ đô la lợi nhuận, trong khi nhiều người tiêu dùng đang vật lộn với các hóa đơn.
Trung Quốc vận hành tổ máy đầu tiên của nhà máy thủy điện tích năng
Tổ máy đầu tiên của Nhà máy thủy điện tích năng Thanh Nguyên, Liêu Ninh, nhà máy thủy điện tích năng lớn nhất Đông Bắc Trung Quốc, chính thức đưa vào vận hành phát điện vào ngày 15/12.
Dự án có tổng vốn đầu tư 10,9 tỉ nhân dân tệ, tổng công suất lắp đặt 1,8 triệu kw và lắp đặt 6 tổ máy phát điện turbine bơm nước đảo chiều với công suất mỗi tổ máy là 300.000kW, công suất phát điện thiết kế hàng năm là 3 tỉ kW/h.
Trưởng bộ phận vận hành Công ty thủy điện tích năng Thanh Nguyên Liêu Ninh cho biết: “Nhà máy thủy điện tích năng Thanh Nguyên đang được khẩn trương lắp đặt. Theo kế hoạch sẽ vận hành toàn bộ vào tháng 3 năm 2025. Khi đó, nhà máy thủy điện này sẽ nâng cao hiệu quả trong việc kết hợp cùng với các nguồn năng lượng tái sinh như điện hạt nhân, điện gió và điện mặt trời từ khu vực Đông Bắc đến khu vực phía Đông, cung cấp nguồn điện thúc đẩy Liêu Ninh đạt được bước đột phá mới toàn diện”.
Theo Petrotimes  

Cùng chuyên mục

Bộ Công Thương tổ chức hội nghị góp ý Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)

03/05/2024

Sáng 3/5/2024, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) khu vực các tỉnh phía Bắc. Hội nghị sẽ diễn ra liên tục trong 2 ngày 3-4/5 để thảo luận về những nội dung cơ bản của Dự thảo này.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151