Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ năm, 09/05/2024 | 07:26 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Giám sát cung cấp điện

Dự án Nhà máy thủy điện IaLy mở rộng sẽ hòa lưới điện quốc gia cuối năm 2024

04/04/2024
Theo kế hoạch, Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng dự kiến sẽ phát điện 2 tổ máy trong Quý IV/2024.

Công trình nhà máy thủy điện Ialy.
Dự án Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 6.400 tỷ đồng. Dự án được xây dựng tại xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum và xã Ia Mơ Nông, Ia Kreng, thị trấn Ialy, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Dự án Nhà máy thủy điện (NMTĐ) IaLy có quy mô 2 tổ máy với công suất 360 MW (mỗi tổ máy công suất 180 MW).
Được khởi công từ tháng 6/2021, hiện nay dự án này đang trong giai đoạn thi công cao điểm. Phóng viên Thời báo VTV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Minh – Giám đốc Ban điều hành dự án Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng để giúp độc giả hiểu rõ hơn về dự án này.
Phóng viên: Thưa ông Nguyễn Đức Minh, tổng mức đầu tư (TMĐT) mở rộng nhà máy thủy điện IaLy ban đầu là gần 6.400 tỷ đồng. Đến nay có sự điều chỉnh nào về tổng mức đầu tư không? Tổng số tiền đầu tư của dự án được huy động từ những nguồn vốn nào?
Ông Nguyễn Đức Minh - Giám đốc Ban điều hành dự án Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng: Đến nay chưa có sự điều chỉnh về tổng mức đầu tư dự án. Trong quá trình triển khai thực hiện các gói thầu của dự án, Ban Quản lý dự án (QLDA) Điện 2 đã chuẩn bị kỹ lưỡng các bước từ khâu lập, trình duyệt dự toán gói thầu, lập hồ sơ mời thầu, đấu thầu lựa chọn nhà thầu đủ năng lực thực hiện các gói thầu theo yêu cầu của chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Đức Minh - Phó Giám đốc Ban quản lí dự án điện 2 - Giám đốc Ban điều hành dự án nhà máy thủy điện Ialy mở rộng.
Trong quá trình thi công các gói thầu xây lắp, Ban cũng đã tổ chức công tác quản lý giám sát chặt chẽ khối lượng, biện pháp thi công của nhà thầu, một số khối lượng công việc phát sinh so với thiết kế được duyệt hiện đều đang nằm trong giá trị dự phòng của các gói thầu.
Dự kiến giá trị thực hiện các gói thầu thực tế chắc chắn sẽ không vượt tổng mức đầu tư được duyệt. Nguồn vốn đầu tư dự án được huy động gồm 30% vốn tự có của EVN, 70% từ nguồn vốn vay của các ngân hàng trong nước và vốn vay của Cơ quan phát triển Pháp (AFD).
PV: Thưa ông Nguyễn Đức Minh, việc đưa dự án nhà máy thủy điện IaLy mở rộng vào vận hành có ý nghĩa như thế nào đối với ngành điện lực nói riêng và kinh tế xã hội nói chung?
Ông Nguyễn Đức Minh: Việc đưa Dự án NMTĐ Ialy mở rộng vào vận hành sẽ tăng khả năng huy động công suất cho phụ tải khu vực miền Nam, đặc biệt là trong các giờ cao điểm; Góp phần cải thiện chế độ làm việc của Hệ thống điện (tăng nguồn và điện năng phủ đỉnh của biểu đồ phụ tải, tăng tính linh hoạt trong vận hành, tăng hệ số tin cậy, an toàn…), qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất của hệ thống; Tận dụng tối đa khả năng của dòng chảy thông qua việc hạn chế lượng xả thừa hàng năm, tăng thêm giá trị sản lượng điện trung bình năm khoảng 233,20 triệu kWh/năm, góp phần giảm chi phí nhiên liệu hàng năm, giảm phát thải CO2 và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch; Giảm bớt cường độ, thời gian làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.
PV: Công trình NMTĐ Ialy mở rộng được khởi công xây dựng từ tháng 6/2021. Từ đó tới nay, có khó khăn lớn nào gây cản trở tới việc thi công công trình này thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Minh: Công trình NMTĐ Ialy mở rộng được khởi công xây dựng từ tháng 6/2021. Sau gần 3 năm thi công, gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc như khởi công công trình đúng vào thời điểm bùng phát dịch bệnh Covid-19, công trình nằm gần công trình hiện hữu vì vậy phải làm thủ tục thí nghiệm thử nghiệm nổ mìn mới được thi công đại trà, xung đột Nga – Ukraine xảy ra làm giá cả vật tư, vật liệu, sắt thép, xăng dầu... đều tăng so với dự toán gói thầu từ 15-30%, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên chậm so với kế hoạch (kéo dài gần 3 năm), xung đột chiến tranh tại Biển Đỏ làm chậm công tác vận chuyển thiết bị...
PV: Đã sắp bước sang quý II năm 2024, không khí làm việc, lao động trên công trường đang diễn ra như thế nào? Có bám sát tiến độ đặt ra hay không thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Minh: Hiện nay, các nhà thầu thi công trên công trường đang huy động gần 700 cán bộ công nhân viên và nhiều xe máy thiết bị, tổ chức thi công 3 ca liên tục để triển khai các công việc còn lại tại các hạng mục công trình. Các hạng mục thi công đang bám sát tiến độ theo kế hoạch.
Khu vực dẫn nước vào tổ máy.
Đến nay đã hoàn thành toàn bộ công tác đào và gia cố tạm các hạng mục ngầm; bê tông Cửa lấy nước, hoàn thành lắp đặt cửa van sửa chữa, cửa van vận hành và cầu trục chân dê Cửa lấy nước; bê tông tháp điều áp; Hạng mục nhà máy bê tông đã thi công được 98% khối lượng và đã lắp đặt xong cửa van sửa chữa hạ lưu, cầu trục vận hành.
Hiện đang tiếp tục thi công bê tông vỏ hầm dẫn nước, đường ống áp lực và bê tông khu vực tổ máy, thi công đào và gia cố kênh dẫn vào Cửa lấy nước, Kênh dẫn dòng phạm vi rừng và kênh xả hạ lưu, thi công hạng mục mở rộng trạm phân phối và tuyến đường dây 500kV đấu nối.
Theo kế hoạch, dự kiến sẽ phát điện 2 tổ máy Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng trong Quý IV/2024.
PV: Với vai trò là người chỉ huy trực tiếp của dự án, ông có thể chia sẻ những biện pháp đảm bảo dự án sẽ về đích đúng tiến độ, hòa lưới điện quốc gia khi thời gian không còn nhiều?
Ông Nguyễn Đức Minh: Thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều nhưng với khối lượng còn lại của các hạng mục là rất lớn, đòi hỏi phải có kết hợp các đơn vị khác nhau trên công trường, Ban QLDA Điện 2 đã và đang phối hợp các bên trên công trường thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo tiến độ phát điện các tổ máy.
Nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi để các đơn vị tham gia thi công, đoàn kết, phối hợp cùng nhau nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đồng thời khơi dậy ý thức trách nhiệm, ý chí vượt qua khó khăn và tinh thần lao động sáng tạo quyết tâm hoàn thành các mục tiêu thi công xây lắp năm 2024, EVN và Công đoàn Điện lực Việt Nam, Ban QLDA Điện 2 và các nhà thầu trên công trường tổ chức tổng kết phong trào thi đua năm 2023 và phát động phong trào thi đua năm 2024 vào ngày 24/01/2024.
Trên cơ sở tiến độ thi công tổng thể công trình và các mốc tiến độ trong cam kết giao ước thi đua đã được các bên ký kết, Ban QLDA Điện 2 đã phối hợp các bên lập kế hoạch thi công chi tiết tuần, tháng, quý để làm cơ sở theo dõi và đôn đốc nhà thầu thực hiện. Yêu cầu nhà thầu bố trí nhân lực, thiết bị thi công 3 ca liên tục để đáp ứng theo tiến độ đã lập. Tổ chức giao ban hàng ngày, hàng tuần và giao ban tháng để điều hành quản lý công việc, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh tại công trường.
Cụm khu nhà máy.
Chúng tôi cũng liên tục bám sát, làm việc với Nhà thầu cung cấp thiết bị cơ điện cho dự án đề đẩy nhanh tiến độ cung cấp tài liệu thiết kế và vật tư thiết bị sớm hơn tiến độ hợp đồng. Đồng thời, Ban QLDA đã phối hợp với nhà thầu xây lắp tìm giải pháp để có thể đẩy nhanh tiến độ tổ hợp, lắp đặt rotor TM2 tại công trường nhằm đáp ứng tiến độ phát điện cả 2 tổ máy trong năm 2024. Tiếp tục tổ chức tốt công tác quản lý chất lượng thi công các hạng mục công trình và công tác quản lý môi trường, an toàn và sức khỏe tại công trình.
Về công tác quản lý chất lượng, Ban QLDA yêu cầu nhà thầu tuân thủ các quy trình quản lý chất lượng đã được ban hành, các vật tư, vật liệu, thiết bị phải được thỏa thuận, giám sát, thí nghiệm, nghiệm thu trước khi đưa vào sử dụng tại công trình; Đặc biệt trong giai đoạn cuối, Ban QLDA sẽ chủ trì phối hợp đơn vị liên quan hết sức chú trọng công tác kiểm định, thí nghiệm hiệu chỉnh các thiết bị tổ máy theo đúng yêu cầu trước và sau khi lắp đặt vào công trình nhằm hạn chế sai sót có thể ảnh hưởng đến tiến độ phát điện các tổ máy. Công tác giám sát thi công xây lắp các hạng mục công trình được thực hiện thường xuyên, liên tục và đúng quy trình quản lý chất lượng. Nhật ký thi công hàng ngày sẽ được Nhà thầu và Tư vấn giám sát cập nhật lên phần mềm quản lý đầu tư xây dựng của EVN theo quy định.
Về công tác quản lý môi trường, an toàn và sức khỏe, với các dự án được Cơ quan phát triển Pháp cho vay vốn như Thủy điện Ialy mở rộng, các công tác này cần được chú trọng trong suốt quá trình thực hiện dự án để đảm bảo yêu cầu chung của nhà nước và AFD như yêu cầu nhà thầu chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, công tác quản lý chất thải, tuyên truyền bảo vệ đa dạng sinh học đối với người lao động và nhân dân trong khu vực dự án. Đối với công tác an toàn tiếp tục yêu cầu Nhà thầu thực hiện trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cho người lao động, thực hiện các quy định an toàn khi làm việc trên cao, khu vực chật hẹp và không gian kín tại các hạng mục công trình ngầm. Các công tác tập huấn về an toàn vệ sinh lao động, tập huấn sơ cấp cứu, khám chữa bệnh định kỳ, các vấn đề về xã hội như tuyển dụng lao động địa phương,... và các tệ nạn xã hội sẽ được Tổ quản lý ESHS của công trường thường xuyên kiểm tra, yêu cầu nhà thầu thực hiện.
Đối với công tác thu xếp vốn, Ban QLDA sẽ chủ trì đôn đốc các nhà thầu, TVGS tổ chức nghiệm thu khối lượng hoàn thành của các hạng mục công trình kịp thời, từ đó tạo tiền đề duy trì nguồn vốn cho nhà thầu thi công đáp ứng tiến độ kế hoạch.
PV: Cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!
Theo VTV
  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151