Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ sáu, 08/11/2024 | 21:55 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Tin tức

Ủy ban Pháp luật họp Phiên toàn thể lần thứ 21

09/04/2024
Sáng 8.4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ 21, thẩm tra dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp
Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; các thành viên Ủy ban Pháp luật; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cùng một số bộ, ngành, địa phương và vụ, cục đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, ưu tiên đề xuất các dự án vào Chương trình nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; kịp thời thực hiện các Kết luận của Bộ Chính trị về việc tổng kết thực hiện các nghị quyết về tư pháp, pháp luật; các yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, phải bảo đảm tính khả thi, tránh dồn nhiều dự án vào năm 2024; coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, không đưa vào Chương trình những dự án thiếu hồ sơ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Cùng đó, bảo đảm tính linh hoạt, tính đến khả năng trong năm 2024 sẽ tiếp tục có các đề xuất bổ sung một số dự án vào Chương trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp
Theo các Tờ trình, đối với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, để bảo đảm tính khả thi, cân đối giữa Chương trình năm 2024 với năm 2025, Chính phủ đề nghị bổ sung 10 dự án, dự thảo (7 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết, 1 dự án pháp lệnh), lùi thời gian trình đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Hội đồng Dân tộc đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Ủy ban Tư pháp đề nghị trình Quốc hội xác định cụ thể phạm vi điều chỉnh của dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng. Tại Kỳ họp thứ Tám, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp đối với dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Đối với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Hội đồng Dân tộc đề nghị đưa 18 dự án luật vào Chương trình. Trong đó, tại Kỳ họp thứ Chín dự kiến thông qua 8 dự án luật (đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám) và cho ý kiến 10 dự án luật. Tại Kỳ họp thứ Mười dự kiến thông qua 10 dự án luật và không có dự án luật trình cho ý kiến. Các dự án luật được Chính phủ đề nghị đưa vào Chương trình năm 2025 gồm: Luật Cấp, thoát nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Dẫn độ; Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi); Luật Đường sắt (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp
Qua nghiên cứu các Tờ trình, các đại biểu tại phiên họp đánh giá cao nỗ lực và trách nhiệm trong công tác chuẩn bị của Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; cơ bản thống nhất với nguyên tắc lập đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2025, điều chỉnh Chương trình năm 2024.
Tán thành với đề nghị lùi thời gian trình đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của Chính phủ, song, các đại biểu cho rằng, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật được ban hành cách đây 17 năm, đến nay có nhiều vấn đề mới phát sinh, thay đổi so với thời điểm ban hành, do đó đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật để đáp ứng yêu cầu quản lý, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), các ý kiến cơ bản nhất trí với đề nghị bổ sung dự án Luật này vào Chương trình năm 2024. Tuy nhiên, có ý kiến chỉ rõ, phạm vi sửa đổi theo đề nghị của Chính phủ là sửa đổi toàn diện, thay thế Luật Điện lực hiện hành nên đề nghị chưa khẳng định ngay việc áp dụng quy trình xem xét, thông qua tại một kỳ họp mà vẫn theo quy trình tại hai kỳ họp, tức là trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám, thông qua tại Kỳ họp thứ Chín. Đồng thời, quy định rõ trường hợp dự án luật được chuẩn bị có chất lượng tốt, quá trình thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám theo quy trình tại 1 kỳ họp.
Toàn cảnh phiên họp
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, các ý kiến tại phiên họp cơ bản thống nhất với nội dung và tiến độ các dự án luật được Chính phủ và các cơ quan đề nghị đưa vào Chương trình năm 2025, điều chỉnh Chương trình năm 2024 cũng như các đề xuất, kiến nghị thằm thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.
Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và có đầy đủ cơ sở trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ và các cơ quan chủ động chuẩn bị các nội dung tiếp thu, làm rõ những vấn đề lớn, quan trọng được nêu tại phiên họp.
Theo Báo Đại biểu Nhân dân  

Cùng chuyên mục

Hoàn thiện hành lang pháp lý phát triển năng lượng tái tạo

08/11/2024

Theo đại biểu Quốc hội, Luật Điện lực (sửa đổi) cần phải thiết kế theo hướng đáp ứng cả 2 mục tiêu, vừa đạt mục tiêu trước mắt là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nhưng cũng vừa phải đạt mục tiêu lâu dài là thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế của Việt Nam, đạt mức thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Do đó, việc khai thác hiệu quả, phát triển dự án điện năng lượng tái tạo là yêu cầu cấp thiết.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.893
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.956
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.271
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.860
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.197
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.302