Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ năm, 16/05/2024 | 20:45 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Nghiên cứu đào tạo

Cách điều hành giá điện trong khu vực ASEAN - Lựa chọn nào cho Việt Nam?

04/08/2023
ASEAN là cộng đồng gần với Việt Nam về địa lý và mức độ phát triển, nhưng có những cách điều hành giá điện rất khác nhau trên cơ sở thế mạnh nguồn lực của từng nước. Tổng hợp, so sánh, phân tích giá điện một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam dưới đây có thể đem lại những lựa chọn cho cải cách giá điện của chúng ta trong thời gian sắp tới.
Singapore:
Singapore có hơn 12 GW công suất đặt. Trong đó, điện khí (cả chu trình hỗn hợp và chu trình đơn) chiếm 90% công suất. Giá điện ở Singapore thay đổi 3 tháng một lần. Cơ quan Thị trường Năng lượng (EMA) có trách nhiệm xem xét thay đổi giá điện dựa trên giá khí thiên nhiên bán tại thị trường Singapore.
Trong đồ thị dưới đây là giá điện sinh hoạt ở Singapore, đã bao gồm giá phát điện, giá truyền tải (khoảng 30% giá phát điện), phí hỗ trợ thị trường và phí quản lý. Chỉ có một mức giá chung. Khi tính thêm cả thuế Hàng hóa và Dịch vụ (GST - tương đương thuế VAT của Việt Nam) thì tháng 6/2023 giá điện tương đương 5.184 VNĐ/kWh.
Hình 1: Diễn biến giá điện ở Singapore từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2023.
Giá điện công thương (công nghiệp và thương mại) ở Singapore phức tạp hơn, chia làm ba nhóm: (1) Vừa và nhỏ, (2) Cao, (3) Rất cao.
Dưới đây là bảng giá điện cho nhóm công thương vừa và nhỏ, điện áp mua 6,6 kV - 22 kV. Ở đây xuất hiện thêm phí công suất tính theo tháng và phí tiêu thụ công suất phản kháng theo kVARh. Mức giá chưa bao gồm hai loại phí trên và bao gồm thuế GST cho giờ thấp điểm (tương đương 2.828 VNĐ/kWh) và giờ cao điểm (tương đương 4.681 VNĐ/kWh).
Bảng 1: Giá điện công thương hộ vừa và nhỏ ở Singapore:
Hộ công thương nhỏ 6,6 kV - 22kV, công suất <=1,700 kW. Nguồn: Spgroup.
Indonesia:
Indonesia có hệ thống điện tương đương với Việt Nam, tổng công suất đặt vào cuối năm 2021 là 74 GW. Nhiệt điện than chiếm tỷ lệ 50 - 60%, điện khí chiếm 30% lượng điện sản xuất ra. Công ty Điện lực PT Perusahaan Listrik Negara (PLN) - nhà điều hành duy nhất về truyền tải và dịch vụ phân phối của Indonesia thông báo điều chỉnh giá hàng tháng, nhưng bảng giá của họ thường ổn định trong 3 tháng.
Giá điện sinh hoạt ở Indonesia chia làm 5 bậc theo công suất sử dụng. Ngoài giá theo chỉ số kWh, thì hàng tháng hộ tiêu thụ phải trả phí công suất theo công suất đã đăng ký. Phí này khá cao, tương đương 85.000 - 107.000 VNĐ/kVA/tháng. Sự khác biệt về giá giữa các bậc công suất gần hơn, bậc thấp nhất 2.123 VNĐ/kWh (chưa thuế), bậc cao nhất 2.668 VNĐ/kWh, không cách biệt như ở Việt Nam.
Bảng 2: Giá điện sinh hoạt 5 bậc ở Indonesa:
Nguồn: PLN.
Giá điện công nghiệp ở Indonesia chia bậc theo công suất sử dụng (VA) và phân giờ cao điểm (18 - 22h ngày đi làm) và giờ thường. Không thấy quốc gia này phân biệt theo điện áp mua như ở Việt Nam. Khách hàng công nghiệp phải đóng tiền công suất hàng tháng. Ngoài ra, phải đóng tiền công suất phản kháng.
Bảng 3: Giá điện thương mại và công nghiệp ở Indonesia (nguồn: PLN):
*Hệ số K=1,4 đến 2,0. Trong bài lấy K thấp nhất.
**Minimum là công thức tính số điện tối thiểu phải sử dụng tùy theo công suất nhu cầu, số giờ, nếu dùng thấp hơn vẫn sẽ phải thanh toán tiền đó hàng tháng.
Thái Lan:
Giá điện sinh hoạt ở Thái Lan được chia thành 7 bậc với chênh lệch rất nhỏ. Mục đích của việc chia nhỏ là để hỗ trợ người nghèo được dùng điện giá thấp. Nhóm dùng điện trên mức nghèo (trung bình 401 kWh/tháng) sẽ chỉ được chia thành 3 bậc.
Bảng 4: Giá điện sinh hoạt cho nhóm nghèo ở Thái Lan áp dụng từ ngày 1/5/2023 (nguồn: Công ty MEA và Ủy ban ERC):
Ngoài giá trên, mỗi tháng nhóm nghèo cũng phải thanh toán 8,19 Baht, nhóm 2 cũng phải thanh toán 24,64 Baht phí dịch vụ cho công ty phân phối điện.
Bảng 5: Giá điện công thương ở Thái Lan áp dụng từ ngày 1/5/2023:
Nếu cấp điện áp 12 - 24 kV chọn mua theo giờ thì giờ cao điểm (9 đến 22h) tương đương 3.544 VNĐ/kWh, giờ thấp điểm là 2.445 VNĐ/kWh đã bao gồm FT (phụ thu nhiên liệu) và VAT.
Giá điện Thái Lan luôn có con số FT - đó là phụ thu nhiên liệu. Chỉ số FT (phụ thu nhiên liệu) được Ủy ban Điều tiết Năng lượng (ERC) của Chính phủ Thái Lan xem xét 4 tháng một lần, nâng lên, hay hạ xuống tùy thuộc vào giá của năng lượng sơ cấp (chủ yếu là giá khí, than và dầu). Thành viên của ERC do Nhà vua phê chuẩn.
Trong đồ thị, có thể thấy: Không phải FT lúc nào cũng dương mà có thời gian dài là số âm. Cũng có một chu kỳ 4 tháng đầu năm 2023 FT bị chia làm hai, một dành cho sinh hoạt và một dành cho công nghiệp (cao hơn hẳn). Lúc đó Chính phủ Thái ép công thương phải chi nhiều tiền hơn để bù cho giá điện sinh hoạt. Đến tháng 5/2023 phụ thu nhiên liệu lại trở về một mức cho cả sinh hoạt và công thương.
Hình 2: Biến thiên phụ thu nhiên liệu FT ở Thái Lan. (Nguồn: ERC Thailand).
CHDCND Lào:
Giá điện sinh hoạt ở Lào áp dụng cho quý 1 năm 2023 rất rẻ, chia làm 6 bậc. Chúng tôi để nguyên hình ảnh từ Công ty Điện lực Lào (EDL), vì nhìn cũng có thể hiểu cách chia 6 bậc theo điện năng tiêu thụ hàng tháng. Bậc thấp nhất từ 0 - 25 kWh chỉ phải trả 355 kíp/kWh (tương đương 479 VNĐ/kWh). Bậc cao nhất phải trả 1,374 VNĐ/kWh (đã bao gồm VAT). Lý do điện sinh hoạt rẻ, vì Lào có nguồn thủy điện dư thừa, hầu như không phải đầu tư (các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ toàn bộ vốn, xuất khẩu điện và dành lại một phần bắt buộc cung cấp trong nước Lào).
Hình 3: Giá điện sinh hoạt ở Lào.
Giá điện thương mại ở Lào cao hơn hẳn giá sinh hoạt và chia ra rất nhiều loại văn phòng, cửa hàng kinh doanh. Đắt nhất là kinh doanh giải trí: 2.012 kíp/kWh (tương đương 2.713 VNĐ/kWh). Tiếp đến là văn phòng quốc tế: 1.946 kíp/kWh (tương đương 2.666 VNĐ/kWh).
Hình 4: Giá điện thương mại ở Lào, quý 1/2023.
Giá điện công nghiệp ở Lào chia làm nhiều loại giống như Việt Nam. Tại đây chúng tôi chỉ dẫn ra các doanh nghiệp mua điện ở cấp điện áp trên 115 kV. Đắt nhất là công nghiệp khai khoáng, 1.301 kíp/kWh (tương đương 1.933 VNĐ/kWh).
Hình 5: Giá điện công nghiệp ở Lào. Nguồn: EDL.
Lào xem xét thay đổi giá điện hàng quý, nhưng cố giữ nguyên giá điện sinh hoạt. Hiện tại Lào đang chịu lạm phát ở mức cao, nên giá điện thương mại và công nghiệp phải liên tục điều chỉnh lên để đuổi theo lạm phát.
Campuchia:
Hệ thống điện ở Campuchia khá nhỏ bé, sản lượng điện năm 2021 là 9,71 tỷ kWh, phải nhập khẩu điện từ nước ngoài. Campuchia không có nguồn thủy điện dồi dào như Lào. Thủy điện và điện than là hai nguồn điện chính.
Bảng 6: Giá điện ở Campuchia, năm 2021 (nguồn Electricity Authority of Cambodia):
Philippines:
Tuy là nước không quá rộng, nhưng lại nhiều đảo, không được hưởng nguồn tài nguyên năng lượng tự nhiên, Philippines chia thành các vùng do các công ty điện lực khác nhau quản lý, với giá khác nhau.
Nhìn chung, nguồn điện ở Philippines chủ yếu là điện than (43%) và điện khí (12%).
Bảng 7: Giá điện sinh hoạt ở một số thành phố tại Philippines, tháng 6/2023 (nguồn: Công ty Meralco, Inec, Batelec1...):
Giá điện ở Philippines được chi tiết hóa thành rất nhiều thứ phí. Đó là sự cải cách thị trường điện minh bạch sau những năm khủng hoảng điện nặng nề cuối thế kỷ 20. Hiện tại, các công ty điện ở Philippines điều chỉnh thay đổi giá hàng tháng, theo chi phí cho nhiên liệu đầu vào.
Bảng 8: Chi tiết giá điện Thành phố Batangas, Philippines, tháng 6/2023 (nguồn: Batangas I Electric Cooperative, Inc.):
Những nước ASEAN còn lại như: Malaysia, Brunei có trợ giá điện và năng lượng nên rất khó xem xét khi so sánh. Giá điện ở Myanmar quá khó để tìm hiểu, vì thiếu nguồn tin.
So sánh với Việt Nam:
Để so sánh với Việt Nam, chúng tôi lấy giá điện sinh hoạt chia thành ba bậc: 101 - 200 kWh/tháng, 201 - 300 kWh/tháng và 301 - 400 kWh/tháng. Lý do bỏ bậc nhỏ hơn 100 là vì nhiều nước trợ giá cho bậc thấp nên không phản ánh đúng chi phí sản xuất điện.
Bảng 9: So sánh giá điện sinh hoạt một số nước quy về VNĐ/kWh:
Trong bảng, chúng ta thấy giá điện ở Philippines đắt nhất. Điều đó cho thấy giá điện không phụ thuộc vào mức thu nhập GDP/đầu người mà phụ thuộc vào chi phí sản xuất điện. Giá điện ở Lào thấp hơn Việt Nam, Indonesia khi chưa tính phí công suất có giá điện tương đương với Việt Nam. Singapore, Thái Lan, Campuchia và Philippines có giá điện cao hơn Việt Nam.
Giá điện công nghiệp phức tạp hơn trong việc so sánh, bởi vì có nước phân loại theo điện áp, có nước phân loại theo nhu cầu công suất kVA. Một vài nước có thể chọn mua theo giờ không phân biệt cao điểm, thấp điểm, nhưng phần khác lại phân cao điểm và giờ thường, trong khi Việt Nam phân làm ba loại giờ (cao, thấp và thường). Đa số áp dụng phí công suất cố định hàng tháng. Có nước quy định thêm cả phí công suất phản kháng.
Tuy vậy, chúng tôi cố gắng so sánh giá ở mức gần nhau nhất có thể trong phân đoạn điện áp 6 - 22 kV. Riêng với Indonesia, đó là phân khúc trên 200 kVA dưới 30.000 kVA. Với Philippines, không thấy bảng giá riêng cho công nghiệp.
Bảng 10: So sánh giá điện công nghiệp ở cấp điện áp 6 - 22 kV:
Kết luận:
Từ phân tích giá điện các nước ASEAN ta thấy: Quốc gia có giá thấp là Lào nhờ nguồn thủy điện, Indonesia nhờ nguồn than trong nước rất lớn. Còn các quốc gia phải nhập khẩu nhiên liệu để sản xuất điện, thì có giá điện cao.
Tất cả các nước đều không thả nổi giá điện hàng ngày, mà có chu kỳ điều chỉnh khác nhau (từ 1 tháng cho đến 4 tháng/1 lần). Cách điều chỉnh giá điện cũng khác nhau. Thái Lan điều chỉnh thống nhất cả nước dựa trên phụ thu nhiên liệu, còn biểu giá điện giữ nguyên. Philippines cho công ty điện lực vùng điều chỉnh giá mỗi tháng một lần, có khu vực lên, có khu vực xuống. Singapore lại lấy giá khí thiên nhiên làm chuẩn để điều chỉnh giá điện 3 tháng/1 lần.
Ngoài ra, hầu như các nước đều áp dụng phụ thu thông qua nhiều hình thức khác nhau, với mục đích chính là tính đủ chi phí cung cấp điện (phụ thu FT, phụ thu công suất phản kháng, phụ thu theo công suất đăng ký…). Cách tính chi phí qua các phụ thu này là xu hướng của biểu giá điện hiện đại, tách biệt các chi phí và tạo ra sự minh bạch trong hạch toán giá điện mà Việt Nam cần học tập.
Việt Nam không được may mắn về nguồn năng lượng như thủy điện ở Lào, mỏ than, khí ở Indonesia, hay nguồn dầu khí nhiều như Malaysia. Hệ thống nguồn điện của Việt Nam giống của Thái Lan, Philippines, Singapore nhiều hơn - thiên về nhập khẩu ròng năng lượng sơ cấp.
Theo chúng tôi, Việt Nam có thể tham khảo nhiều cách lựa chọn để điều chỉnh giá điện của các nước ASEAN và chọn ra phương án phù hợp với nền kinh tế của Việt Nam./.
ĐÀO NHẬT ĐÌNH
​CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151