Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Chủ nhật, 05/05/2024 | 21:42 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Tin tức

Nhịp đập năng lượng ngày 18/8/2023

20/08/2023
Cảnh báo nguy cơ thiếu điện năm 2024; Hàn Quốc tiếp tục giảm thuế xăng dầu đến hết tháng 10/2023; Các công ty dầu mỏ Na Uy tăng cường đầu tư khai thác; Đức loại bỏ rào cản trong hoạt động lắp đặt năng lượng mặt trời… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 18/8/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn
Cảnh báo nguy cơ thiếu điện năm 2024
Tại "Hội nghị Tiết kiệm điện trong mùa nắng nóng" do Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng chủ trì tổ chức ngày 18/8, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm cho biết, hệ thống điện đã đối mặt với khủng hoảng về mất cân bằng cung cầu điện vào các tháng 5, 6 vừa qua, đặc biệt là khu vực miền Bắc. Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, thêm vào đó là tình huống thiếu nhiên liệu và một số tổ máy nhiệt điện than bị sự cố do vận hành trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, dẫn đến thiếu hụt nguồn điện nghiêm trọng.
Về tình hình cung ứng điện năm 2024, 2025, đại diện EVN cho biết, phụ tải tiếp tục tăng cao, dự báo bình quân 9%/năm, tương ứng công suất tăng 4.000-4.500MW/năm. Trong khi đó, nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành chỉ khoảng 1.950MW (2024) và 3.770MW (2025), tập trung chủ yến tại khu vực miền Trung và miền Nam. Công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp; nhu cầu điện cho miền Bắc tăng trưởng 10%/năm; thiếu công suất đỉnh ở một số thời điểm nắng nóng tháng 6, 7/2024 (thiếu 420-1.770MW).
Để chuẩn bị cho các diễn biến bất thường có thể xảy ra trong những thời điểm nắng nóng tiếp theo, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Trịnh Quốc Vũ kêu gọi mỗi cá nhân, tổ chức cần đẩy mạnh, hành động ngay, liên tục và thiết thực các giải pháp về thực hành tiết kiệm điện trong những năm tới bởi thời tiết nắng nóng vẫn được dự báo khắc nghiệt, khó lường và nhu cầu phụ tải được dự báo sẽ phục hồi trở lại.
Hàn Quốc tiếp tục giảm thuế xăng dầu đến hết tháng 10/2023
Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục gia hạn ưu đãi giảm thuế xăng dầu thêm 2 tháng nữa cho đến tháng 10/2023 nhằm san sẻ gánh nặng của người dân trước tình hình giá dầu quốc tế vẫn tiếp tục leo thang.
Hàn Quốc đang thực hiện giảm 25% thuế đối với xăng, 37% đối với dầu diesel và khí đốt hóa lỏng (LPG) dùng cho ô tô, thông qua chính sách "thuế suất linh hoạt". Theo đó, chi phí xăng dầu mà người tiêu dùng phải trả giảm khoảng 200 won (0,15 USD)/lít. Seoul bắt đầu thực hiện các biện pháp giảm giá xăng dầu vào tháng 11/2021; đồng thời điều chỉnh tỷ lệ cắt giảm cũng như gia hạn thời gian thực thi chính sách này tổng cộng 5 lần.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều thông tin cho rằng Chính phủ Hàn Quốc sẽ rơi vào tình trạng thiếu nguồn thu thuế. Khoản thu thuế trong nửa đầu năm nay đã giảm 40.000 tỷ won (gần 30 tỷ USD) so với năm 2022. Trong đó, thuế giao thông, năng lượng và môi trường, bao gồm thuế xăng dầu, giảm 700 tỷ won (khoảng 522 triệu USD) so với năm 2022.
Các công ty dầu mỏ Na Uy tăng cường đầu tư khai thác
Theo một cuộc khảo sát của Văn phòng Thống kê Quốc gia (SSB) công bố hôm thứ Năm (ngày 17/8), các công ty dầu khí Na Uy dự kiến sẽ đầu tư nhiều hơn vào năm 2023-2024 so với dự kiến trước đây.
Khu vực kinh doanh lớn nhất quốc gia hiện có kế hoạch đầu tư 213 tỷ kroner Na Uy (20,03 tỷ USD) vào năm 2023, tăng so với dự báo 197,8 tỷ kroner hồi tháng 5, SSB cho biết. Các công ty dầu mỏ hiện có kế hoạch đầu tư 207 tỷ kroner vào năm 2024, tăng so với dự báo 181,9 tỷ kroner trước đó.
"Việc điều chỉnh mức tăng đầu tư cho năm 2023-2024 phần lớn là do các đánh giá cao hơn trong các lĩnh vực sản xuất và hạng mục phát triển mỏ", SSB cho biết. Mức tăng này chủ yếu liên quan đến việc các công ty dầu mỏ đưa ra các khoản đầu tư kỳ hạn đến năm 2023 và 2024, và do lạm phát chi phí.
Đức loại bỏ rào cản trong hoạt động lắp đặt năng lượng mặt trời
Vào hôm 17/8, Bộ Kinh tế Đức thông báo: Chính phủ Liên bang Đức sẽ triển khai một "gói năng lượng mặt trời", góp phần thúc đẩy phát triển năng lượng mặt trời tại Đức.
Cụ thể, gói năng lượng mặt trời sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên ban công hoặc sử dụng quang điện tự sản xuất tại các tòa nhà chung cư. Khả năng lắp đặt năng lượng mặt trời trong các lĩnh vực cũng được mở rộng.
Mục tiêu đến năm 2030 của chính phủ: Tỷ trọng năng lượng tái tạo phải chiếm 80% trong cơ cấu tiêu thụ điện của Đức. Theo Bộ Kinh tế, ngành điện mặt trời đã bổ sung thêm 7,5 GW vào năm 2022. Còn trong năm 2023, đã có hơn 7,5 GW được bổ sung cho đến tháng 7. Đức dự kiến mức tăng trưởng công suất sẽ đạt 2 con số.
Mỹ đạt được những bước tiến đáng kể trong thúc đẩy năng lượng tái tạo
Ngày 16/8, Bộ Năng lượng Mỹ đã công bố báo cáo cho thấy Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), cùng với Luật Cơ sở hạ tầng lưỡng đảng, sẽ cho phép triển khai mới khoảng 250 GW năng lượng gió và 475 GW năng lượng mặt trời.
Trong khi đó, Hiệp hội Năng lượng sạch Mỹ gần đây đã đưa ra một báo cáo cho thấy kể từ khi IRA được thông qua đã chứng kiến nhiều khoản đầu tư vào lĩnh vực này hơn cả 8 năm trước cộng lại. Tổ chức Environmental Entrepreneurs cũng báo cáo có 210 dự án lớn về năng lượng sạch hoặc phương tiện thân thiện với môi trường đã được công bố trong năm qua.
Một báo cáo mới từ tổ chức nghiên cứu BloombergNEF dự báo năng lượng gió và mặt trời sẽ chiếm gần 50% tổng sản lượng điện của Mỹ vào năm 2035 và 64% vào năm 2050 - một bước tiến đáng kể so với mức 12% của năm 2021.
Báo cáo cũng kỳ vọng năng lượng từ các nguồn phát thải bằng 0 hoặc thấp, như gió, mặt trời, hạt nhân và khí đốt có thu hồi carbon, sẽ chiếm 87% tổng sản lượng điện của Mỹ vào năm 2035.
Chính phủ Đức cảnh báo giá năng lượng mới
Mới đây, Bloomberg trích dẫn báo báo mới nhất của Bộ Kinh tế cho biết, giá khí đốt tại Đức có khả năng tăng cao và duy trì ở mức cao cho đến ít nhất là năm 2027. Dựa trên giá kỳ hạn vào cuối tháng 6, giá khí đốt bán buôn có thể tăng lên khoảng 50 euro (54,62 USD) mỗi megawatt giờ trước mùa nóng. Giá dự kiến sẽ duy trì ở mức cao trong 4 năm tới, trừ khi các biện pháp khẩn cấp bổ sung được thực hiện.
Thực tế, chi phí khí đốt tương lai giao tháng 7 tại trung tâm TTF ở Hà Lan đã tăng lên mức cao nhất trong ngày là gần 47,6 Euro (52,1 USD) cho mỗi megawatt giờ tính theo hộ gia đình, hay 539,7 USD/ 1.000 m3.
Các nhà phân tích cho rằng sự gia tăng nhiệt độ dự kiến sẽ làm tăng nhu cầu làm mát. Bên cạnh đó, nguồn cung khí đốt từ Australia ngày càng có nguy cơ bị gián đoạn do các cuộc đình công của người lao động dự kiến sẽ ảnh hưởng đến ba cơ sở khí đốt lớn do Chevron và Woodside Energy vận hành ở nước này. Việc gián đoạn tiềm năng do cuộc đình công có thể ảnh hưởng tới 10% xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu.
Theo Petrotimes 

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151