Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ bảy, 18/05/2024 | 13:53 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Hoạt động ERAV

Cần tháo gỡ điểm nghẽn trong quy hoạch, đầu tư các dự án nguồn điện

04/05/2024
Công tác quy hoạch điện, đầu tư các dự án nguồn điện là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm tại Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).
Tại Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đang diễn ra tại Hà Nội, liên quan đến những vướng mắc về đầu tư, quy hoạch cần được tháo gỡ, ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho rằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay là quy hoạch đất cho các dự án điện và trình tự xây dựng kế hoạch liên quan ở các địa phương đang gặp nhiều vướng mắc do chưa rõ quy định.
Trong Nghị định hướng dẫn lập quy hoạch của nhiều địa phương, nhiều tỉnh, thành phố đã lấy y nguyên từ Thông tư 43 về trình tự lập quy hoạch của Bộ Công Thương, dù chi tiết nhưng “căn cứ, cơ chế, mức giá để thực hiện thì lại không có. Một số trường hợp các địa phương trước đây đã phê duyệt quy hoạch sau lại thay đổi, bổ sung khiến quy hoạch điện bị phá vỡ” - ông Nguyễn Đình Thắng nêu thực tế và kỳ vọng, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ quy định rõ hơn về các quy định trong quy hoạch, xây dựng kế hoạch quy hoạch làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện.
Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội phát biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)
Về đầu tư và chủ trương đầu tư các dự án điện, ông Nguyễn Đình Thắng cho rằng, trước đây, chúng ta chưa có Luật đầu tư nhưng có tới 2 Nghị định về đầu tư cụm công nghiệp. Khi Luật đầu tư ra đời thì hai Nghị định này không thể triển khai mà phải đến khi Nghị định 32/2024 mới đây thì mới tiếp tục đầu tư được. “Như vậy, chúng ta phải quy định rõ các quy định về đầu tư trong dự thảo Luật Điện lực sửa đổi, để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư đối với dự án điện” - ông Thắng kiến nghị.
Bà Phan Thị Minh Loan - Phó Trưởng Ban Thị trường điện - Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất sớm có cơ sở, cơ chế, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án điện
Cũng liên quan đến đầu tư dự án điện, bà Phan Thị Minh Loan - Phó Trưởng Ban Thị trường điện - Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, hiện nay các tỉnh thành chưa có cơ sở, cơ chế, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án điện. Việc phê quyệt chủ trương, lựa chọn nhà đầu tư thuộc thẩm quyền UBND các tỉnh nhưng do không có tiêu chí nên UBND tỉnh chỉ dựa vào năng lực, uy tín của các nhà đầu tư là chính.
Mấu chốt của các dự án điện hiện nay, đặc biệt đối với các dự án nguồn điện là vấn đề liên quan đến giá điện, cơ chế huy động các nhà máy điện, cơ chế đảm bảo nguồn nhiên liệu... Đặc biệt, đối với các dự án BOT điện hiện nay chưa có cơ chế để phát triển; chưa có biểu giá điện như thế nào, khung giá điện ra sao...
“Chúng tôi kiến nghị, cần có cơ chế cho các dự án BOT điện vì liên quan đến nguồn vốn, thời gian, nhân lực… Xem xét đưa hình thức đấu thầu lựa chọn các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư cho các dự án BOT vào dự thảo Luật” - bà Loan kiến nghị, đồng thời đề xuất đưa các dự án BOT vào đấu thầu dựa trên tiêu chí giá điện cạnh tranh nhất.
Liên quan đến các chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực điện lực, đặc biệt là các dự án nguồn điện, trong đó có dự án sử dụng nguồn LNG... cũng cần được đưa vào dự thảo và có quy định chi tiết, rõ ràng, cụ thể.
Theo báo cáo của Ban soạn thảo, Tổ biên tập, để khắc phục những điểm nghẽn trong công tác quy hoạch, đầu tư của các dự án điện lực, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã dành riêng một Chương II, gồm 4 mục với 14 điều, quy định cụ thể việc lập quy hoạch phát triển điện lực; công tác đầu tư xây dựng dự án điện lực; công tác lựa chọn nhà đầu tư dự án nguồn điện, lưới điện; quy định tiến độ xử l‎ các dự án nguồn điện chậm tiến độ...
Với những quy định cụ thể, chặt chẽ, việc sửa đổi Luật Điện lực được kỳ vọng tháo gỡ và giải quyết các vướng mắc trong quy hoạch điện, đầu tư các dự án nguồn điện, từ đó huy động được nguồn lực đầu tư của xã hội đến từng doanh nghiệp, đến từng hộ dân. Khai thác được nguồn lợi thiên nhiên to lớn, dồi dào.
Cùng đó, việc sửa đổi Luật Điện lực còn góp phần gia tăng an ninh cung cấp điện, giảm phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch, nhập khẩu từ bên ngoài, thực hiện các cam kết toàn cầu về biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, huy động được hỗ trợ tài chính từ thế giới. Cơ bản đảm bảo thực hiện quy hoạch phát triển điện lực đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Đại diện Ban soạn thảo, Tổ Biên tập cho biết, sẽ ghi nhận, tổng hợp tất cả các ý kiến của đại biểu để báo cáo, xem xét bổ sung vào dự thảo lần tới.
Theo Báo Công Thương

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151