Quảng Ninh: Thu hút vốn đầu tư đạt nhiều kết quả tích cựcDiễn đàn Công nghệ và Năng lượng năm 2023 sẽ diễn ra tại Quảng Ninh
Diễn đàn có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Quảng Ninh cùng đại diện Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ toàn quốc; các nhà khoa học, đại diện các tổ chức, tập đoàn, hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế; đại diện các tổ chức trung gian của thị trường khoa học công nghệ; các tổ chức, cá nhân quan tâm tham gia.
Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cùng UBND tỉnh Quảng Ninh tham dự diễn đànPhát biểu khai mạc diễn đàn, ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Nước ta đang nỗ lực mạnh mẽ hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Dự báo nhu cầu về năng lượng và điện của Việt Nam trong những năm tới sẽ tăng trưởng nhanh, với nhu cầu điện năng trong 5 năm tới được dự báo tăng trưởng khoảng 8,5%/năm, trong khi nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt và gây tác động không tốt đến môi trường. Do vậy, việc chuyển dịch năng lượng, từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn cung năng lượng quốc gia, giảm phát thải khí nhà kính là quá trình căn bản hướng tới tăng trưởng xanh, đây được coi là xu thế tất yếu.
Quảng Ninh là tỉnh có trữ lượng than lớn nhất Việt Nam, là nơi hình thành ngành công nghiệp đầu tiên và là cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam với truyền thống cách mạng “Kỷ luật và Đồng tâm”, là nguồn cung nguyên liệu và năng lượng của quốc gia. Đồng thời, Quảng Ninh được xem là một "Việt Nam thu nhỏ" với đầy đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển. Vì vậy, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung chỉ đạo chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, phát huy nội lực, ưu tiên phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn; phát triển công nghiệp năng lượng thân thiện với môi trường. Đến nay, ngành công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh đã phát triển theo hướng bền vững hơn, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP tăng dần từ 9,8% năm 2020 tăng lên 11,5% năm 2022. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2021-2022 tăng bình quân 23,6%/năm, cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra (nghị quyết là 17%/năm). Công nghiệp khai khoáng và phát triển năng lượng của tỉnh Quảng Ninh không chỉ bảo đảm nhu cầu năng lượng trên địa bàn tỉnh nói riêng mà còn đóng góp quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nói chung và duy trì đà tăng trưởng 2 con số trong 7 năm liên tiếp từ năm 2016 đến nay.
Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu khai mạc diễn đànLãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp xanh, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn; đưa ngành công nghiệp chế biến chế tạo trở thành một trụ cột chính trong nền kinh tế. Phát triển công nghiệp năng lượng thân thiện với môi trường; tiếp tục duy trì là một trung tẩm năng lượng của quốc gia (một trong những trung tâm điện gió, điện khí LNG của miền Bắc), chuyển dần sang phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Không mở rộng các nhà máy nhiệt điện than; đầu tư nâng cao hiệu suất các nhà máy hiện tại, bảo vệ môi trường. Phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng điểm là ngành Than góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo quy hoạch; kêu gọi đầu tư phát tiển điện khí LNG; phát triển nguồn điện gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi và các dự án điện tận dụng khí, nhiệt thải để phát điện nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững theo Nghị quyết số 30 ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 80 ngày 11/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định 500 ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
"Tại Diễn đàn hôm nay, với sự có mặt của các chuyên gia đến từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, các trường đại học, viện nghiên cứu, các tỉnh bạn, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tỉnh Quảng Ninh muốn được trao đổi, chia sẻ, tiếp thu các kinh nghiệm, các giải pháp hiệu quả, thiết thực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững; các giải pháp tích trữ, tiết kiệm năng lượng; kinh nghiệm ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng như năng lượng gió, sinh khối, địa nhiệt, đại dương, nhiên liệu sinh học... góp phần triển khai thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường, xây dựng một xã hội sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên, thân thiện mỗi trường"- ông Cao Tường Huy khẳng định.
Đại diện các doanh nghiệp phát triển tại diễn đàn Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng 2023 diễn ra gồm hai phiên: Xu hướng công nghệ mới và giải pháp, công nghệ nhằm góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững trong bối cảnh mới; Tọa đàm trao đổi về giải pháp và chính sách hỗ trợ của Việt Nam trong nghiên cứu ứng dụng công nghệ năng lượng.
Ở phiên đầu tiên, đại diện các doanh nghiệp: VinES (Tập đoàn Vingroup), Tập đoàn công nghệ T-TECH, Tập đoàn BQ, tập đoàn An Hà Phương... sẽ chia sẻ về các giải pháp công nghệ mới cho an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Phiên tọa đàm có sự điều phối của đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các diễn giả đến từ Sở, ban ngành, doanh nghiệp địa phương sẽ cùng trao đổi về chính sách khoa học và công nghệ cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ năng lượng. Các nội dung về chính sách hỗ trợ sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nguồn năng lượng; định hướng đầu tư và phát triển năng lượng của tỉnh Quảng Ninh; hay kinh nghiệm ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng mới cũng được các diễn giả bàn thảo...
Techconnect & Innovation Vietnam 2023 có chủ đề "Đổi mới sáng tạo - Phát triển bền vững". Tổ chức từ năm 2011 đến nay, Techconnect and Innovation Vietnam hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia để chuyển đổi, ứng dụng tri thức và công nghệ vào thực tiễn; tạo cầu nối trực tiếp cho bên cung và bên cầu công nghệ trao đổi, thảo luận và tiến tới ký kết các thỏa thuận hợp tác và hợp đồng chuyển giao công nghệ. Sự kiện trở thành diễn đàn để doanh nghiệp, chuyên gia thảo luận, chia sẻ thông tin tới các nhà hoạch định chính sách, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm.
Toàn cảnh diễn đànSong song với diễn đàn Công nghệ và Năng lượng, hơn 250 gian hàng, của các đơn vị trong nước và quốc tế cũng tham gia trình diễn sản phẩm công nghệ. Các sản phẩm, công nghệ được trình diễn gồm: Vật liệu dệt may, da giày thông minh; chíp vi mạch và thiết bị điện tử; năng lượng xanh; logistics và chuỗi cung cứng; lưu trữ năng lượng; công nghệ quản lý và tái sử dụng nguyên vật liệu, chất thải.
Sự kiện lần này được đánh giá sẽ là cơ hội kết nối những thành tựu trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước, cũng là cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp Quảng Ninh có những bước tiến xa hơn nữa.
Theo Báo Công Thương