Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ ba, 18/06/2024 | 19:27 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Phát triển năng lượng

Ả rập Xê-út nỗ lực triển khai cuộc cách mạng năng lượng tái tạo

10/06/2024
Trong những năm gần đây, Ả rập Xê-út thu hút sự chú ý của thế giới với những mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo đề ra. Vào năm 2016, nước này đã đặt ra kế hoạch tham vọng nhằm sản xuất 9,5 GW điện từ năng lượng tái tạo vào năm 2030.
Trong những năm gần đây, Ả rập Xê-út thu hút sự chú ý của thế giới với những mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo đề ra. Vào năm 2016, nước này đã đặt ra kế hoạch tham vọng nhằm sản xuất 9,5 GW điện từ năng lượng tái tạo vào năm 2030. Chỉ 03 năm sau, vào năm 2019, mục tiêu công suất nêu trên được rà soát lại và nâng lên 58,7 GW.
Thậm chí Bộ Năng lượng nước này còn công bố kế hoạch nhằm bổ sung thêm 20 GW công suất điện năng lượng tái tạo mỗi năm để đạt tổng công suất 130 GW vào năm 2030. Mục tiêu công suất mới gấp mục tiêu ban đầu tới hơn 13 lần.
Mục tiêu đề ra nằm trong khuôn khổ Chương trình Năng lượng Quốc gia (NREP) nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng trong dài hạn.
Văn phòng Phát triển Dự án Năng lượng tái tạo (REPDO) thuộc Bộ Năng lượng Ả rập Xê-út là cơ quan phụ trách, phối hợp với Tổng Công ty Điện lực quốc gia thực hiện khoảng 30% số dự án trong khuôn khổ Chương trình Năng lượng Quốc gia. 70% các dự án còn lại sẽ được phân bổ và triển khai thông qua Quỹ Đầu tư Công (PIF) và Công ty Điện lực ACWA, là doanh nghiệp đi đầu trong những sáng kiến phát triển năng lượng tái tạo tại Ả rập Xê-út.
Theo các chuyên gia thuộc lĩnh vực, mặc dù quốc gia này có nhiều nỗ lực, tích cực triển khai các chương trình đầu tư phát triển năng lượng, khả năng đạt được mục tiêu công suất đề ra đúng thời hạn là rất khó khăn.
Thông thường các dự án điện tái tạo tại Ả-rập Xê-út cần từ 3-5 năm để triển khai xây dựng tính từ thời điểm khởi công cho đến khi đi vào vận hành. Ví dụ, nhà máy điện gió Dumat Al-Jandal, với công suất 400 MW được khởi công vào tháng 4 năm 2017, phải đến đầu năm 2022 mới đi vào vận hành. Tương tự, nhà máy điện mặt trời Al-Rass, công suất 700 MW bắt đầu khởi công tháng 10 năm 2021, lắp đặt các tấm pin từ tháng 8 năm 2023 và dự kiến phải đến cuối năm nay mới có thể đưa vào vận hành.  Đa số các dự án được triển khai đều cần khoảng thời gian 2 năm để có thể vận hành chính thức.
Trên thực tế, các mục tiêu phát triển năng lượng được Chính phủ nước này công bố cho năm 2024 dường như khó thực hiện do quy mô công suất quá lớn và thiếu nhân lực triển khai. Ước tính chỉ có khoảng 1/3 số nhân lực hiện đang ở tại Ả-rập Xê-út. Số còn lại là nhân công nước ngoài được thuê đến đây để triển khai các dự án. Việc thiếu nguồn nhân lực tại chỗ được cho là một trong những lý do chính dẫn đến các dự án năng lượng chậm tiến độ.
Dự báo sản lượng điện năng tiêu thụ của Ả-rập Xê-út sẽ vào khoảng 478 TWh vào năm 2030. Với cơ sở hạ tầng nguồn và lưới điện hiện nay và những dự án đã được công bố với tổng công suất khoảng 130 GW, nếu triển khai kịp tiến độ thì chỉ đạt sản lượng 296 TWh vào năm 2030, tương đương khoảng 62% tổng nhu cầu tiêu thụ. Vấn đề còn là nhu cầu tiêu thụ điện thực tế hiện nay cao hơn so với mức tính toán do các chính sách của nước này nhằm phát triển các lĩnh vực công nghiệp tiêu tốn năng lượng như xây dựng và phát triển các trung tâm xử lý dữ liệu. Điều này sẽ làm cho nhu cầu tiêu thụ điện năng tăng mạnh.
Theo các chuyên gia năng lượng, tăng cường các khoản đầu tư vào phát triển nguồn phát, tập trung vào năng lượng tái tạo được coi là giải pháp tối ưu có thể giúp quốc gia này đẩy nhanh các dự án đầu tư, tránh chậm tiến độ. Bên cạnh đó, điều chỉnh nhằm tái cơ cấu lại thị trường năng lượng cũng được coi là giải pháp giúp cho công tác điều tiết thị trường và điều độ hệ thống điện trở nên hiệu quả, từ đó giảm các khoản vốn đầu tư, tiết kiệm nguồn lực cho nhà nước.
Đầu tư phát triển năng lượng có đặc thù riêng do là lĩnh vực có tác động sâu sắc tới nhiều mặt của đời sống kinh tế và xã hội. Đây là vấn đề đòi hỏi nghiên cứu kỹ lưỡng, xây dựng thành chiến lược phát triển và các kế hoạch triển khai cụ thể. Chính phủ Ả-rập Xê-út cũng đã có nhiều nỗ lực theo xu hướng nêu trên với ý chí chính trị ở mức cao nhất.
Tuy vậy, bài học kinh nghiệm để các quốc gia tham khảo có lẽ là cần giảm mức độ kỳ vọng vào các mục tiêu mong muốn trong phát triển năng lượng. Mục tiêu vừa phải sẽ đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện và giảm áp lực cho ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng.
 Việt Phương tổng hợp
​(Nguồn: https://amwaj.media/article)

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151