Ông Trần Khương Tâm hăng hái làm việc tại công trường vị trí cột 174 - Ảnh: B.D.Tất cả lãnh đạo, công nhân của ngành điện cùng hừng hực quyết tâm đóng góp trí tuệ và công sức vào huyết mạch năng lượng phát triển quốc gia.
Gặp người thợ có mặt hai lần trên đường dây 500kV
Tới ngày 11-6, tròn nửa tháng tốp thợ kỹ thuật Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (Tổng công ty Điện lực miền Trung) có mặt tại huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) để góp sức nối dòng điện ra miền Bắc.
Đây chỉ là một trong hàng chục vị trí cột rải rác từ Quảng Bình ra tận Thanh Hóa mà Tổng công ty Điện lực miền Trung đang bám trụ để đưa dự án cán đích.
Chúng tôi gặp một người thợ đặc biệt từng có mặt ở cả hai công trình quan trọng nhất của đường điện quốc gia từ ngày thi công đường dây 500kV mạch 1 đến nay là mạch 3. Đó là ông Trần Khương Tâm - 54 tuổi, thợ quản lý vận hành lưới điện thuộc Điện lực Thừa Thiên Huế.
Công trường ông Tâm hội quân cùng anh em nằm ở vị trí cột 174 trên chót vót một quả đồi với đầu bên kia là Nghệ An và hướng ngược lại là Quảng Bình.
Mặt trời đã giữa trưa, ông Tâm vẫn cùng những người lính áo vàng tập trung các công đoạn đầu tiên thuộc hạng mục xây lắp cột. Các thanh thép kết cấu lớn của hệ cột chính được xe tải chở từ chân núi lên để chờ những người thợ nối cao lên trời.
Ông Tâm nói rằng nhóm thợ Điện lực Thừa Thiên Huế nhận lệnh lên đường từ sáng 29-5. Tốp đầu hướng ra Hà Tĩnh, chỉ ít ngày sau ông cùng 16 anh em khác có mặt trên chuyến xe thứ hai hướng ra huyện Cẩm Xuyên.
Người thợ dày dạn này là nhân vật đặc biệt trên vị trí cột 174. Công việc cực nhọc, khối lượng lớn để đảm bảo tiến độ, nhưng ông tự hào bởi hình ảnh mình đã xuất hiện ở các sự kiện quan trọng nhất ngành năng lượng quốc gia.
22 tuổi, ông Tâm tốt nghiệp kỹ thuật, được phân bổ về Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế. Đó là năm 1992 - 1993, đường dây 500kV mạch 1 - xương sống năng lượng quốc gia đang bước vào những ngày quan trọng nhất. Ông Tâm có mặt ở đó, tuyến 500kV Pleiku - Hà Tĩnh.
Được góp sức mình cho dự án năng lượng quốc gia là vinh dự lớn của bất cứ người lính áo vàng nào, song ông Tâm lại có hai lần may mắn. Điều thú vị, cả hai lần đó vào những thời khắc quan trọng nhất của đời người. Lần này trên đại công trường 500kV mạch 3, ông thêm một lần xuất hiện giữa những ngày làm quyết liệt nhất.
Ông Tâm kể rằng những ngày tháng 4, Tập đoàn Điện lực Việt Nam yêu cầu các công ty thành viên làm công tác tinh thần trước để anh em sẵn sàng lên đường chi viện cho các tỉnh. Và ai cũng hăng hái.
Giữa tháng 5, ngay khi Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế thông báo tuyển chọn anh em ra Hà Tĩnh, ông Tâm đã không ngần ngại xung phong.
"Không khí ngành rần rần khắp nơi. Xem thời sự, thấy Thủ tướng lẫn người đứng đầu bộ ngành liên tục xuống hiện trường đốc thúc tiến độ nên anh em cũng hừng hực khí thế. Tôi xung phong lên đường ra Hà Tĩnh, nhưng lãnh đạo nói ưu tiên anh em trẻ. Thấy mình quyết tâm quá, nên mấy hôm sau mình được điền tên trong đoàn hướng ra Cẩm Xuyên", ông Tâm hào hứng nói.
Tổ xung kích Công ty Điện lực Đắk Nông tiến hành lắp cột tại vị trí 231 - Ảnh: LÊ MINHLên đường chi viện bằng sự quyết tâm và tự hào
Ngày 31-5, nhóm 19 cán bộ, công nhân của Công ty Điện lực Đắk Nông cũng hăng hái có mặt tại Hà Tĩnh để cùng góp sức. Ông Lê Doanh, phó chỉ huy đội xung kích của công ty này, cho biết khi có yêu cầu thành lập tổ chi viện miền Trung, công ty đã chọn lọc rất kỹ những cán bộ giỏi, tay nghề cao, sức khỏe tốt.
Ra Hà Tĩnh, họ được phân công dựng cột vị trí 231 trên một đỉnh đồi ở huyện Can Lộc, cột cao 74m với trọng lượng trên 200 tấn thép. Những ngày đầu làm việc trên độ cao lớn cộng với khí hậu oi bức, anh em công nhân mệt nhoài sau mỗi ngày làm việc.
Nhưng với sự động viên kịp thời của lãnh đạo công ty cũng như ý chí vượt khó, tinh thần anh em công nhân lên cao để sớm hoàn thành nhiệm vụ. Ông Doanh kể với lượng công việc lớn, thời gian gấp rút nên Công ty Điện lực Đắk Nông đang điều động thêm 11 cán bộ, công nhân lên đường ra tiếp sức.
Trưa 11-6, chúng tôi tình cờ gặp được ông Nguyễn Kim Chiến - trưởng ban đầu tư dự án, Tổng công ty Điện lực miền Trung - đến kiểm tra tại vị trí cột 174 của nhóm anh em Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế. Ông Chiến kể gần như không ngày nào ông ngồi ở trạm tiền phương chỉ đạo mà phải trực tiếp tới từng vị trí cột để đốc thúc tinh thần anh em thợ.
Trên hành trình đưa điện ra Bắc, Tổng công ty Điện lực miền Trung là đơn vị được giao phụ trách hỗ trợ các nhà thầu dựng cột ở các địa phương từ Hà Tĩnh ra Thanh Hóa.
Ông Chiến cho biết ngay từ ngày 29-5, những đoàn xe nối dài chở công nhân và kỹ sư điện lực các tỉnh thành từ Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum cho tới Quảng Trị đã lên đường hướng ra miền Trung để "chia lửa" cho EVNNPT.
Quân số Tổng công ty Điện lực miền Trung tới đầu tháng 6 lên tới gần 400 cán bộ, công nhân thuộc 24 đội xung kích ở 13 công ty thành viên và một công ty dịch vụ điện. Những người thợ được chia vị trí cột, tổ chức đóng lán, ăn ở ngay hiện trường để bắt tay vào việc.
Đang bám vị trí cột 174, ông Chiến nhận điện thoại từ tổng công ty báo đang có thêm 180 cán bộ, kỹ sư khác vừa xuất phát từ các đơn vị thành viên hướng ra Bắc miền Trung.
Tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh suốt nửa tháng qua, nhóm công nhân các công ty điện lực thành viên như Quảng Trị, Kon Tum... cũng đang bám sát công trường. Gần như từ sáng tới tối, những người thợ bám trụ trên công trường đến tối mịt mới trở về. Nhưng không ai than vãn, bởi tất cả đều háo hức ngày thông dòng điện quốc gia...
Cờ Tổ quốc đỏ thắm trên đỉnh đường dây
Những ngày này đi qua các vị trí cột đường dây 500kV mạch 3, hình ảnh xúc động nhất là lá cờ Tổ quốc đỏ thắm được các nhà thầu, các đội công nhân ngành điện cắm bay phấp phới trên các đỉnh cột. Và độ cao của cờ được tăng từng ngày theo tiến độ dự án.
Tại lán trại công trường của nhóm công nhân Điện lực tỉnh Thừa Thiên Huế có tới hai lá cờ tung bay rực lửa, thúc giục thêm tinh thần cho anh em công nhân.
Ông Bùi Ngọc Rô, cán bộ chi nhánh điện lực huyện Phong Điền (Điện lực Thừa Thiên Huế), tâm sự anh em đã bọc sẵn trong hành lý nhiều lá cờ mới để ra công trường. Khi lên tới vị trí cột được phân công, hai lá cờ được cắm ở hai vị trí cao nhất, ở giữa là một lá cờ xanh của ngành điện lực Việt Nam.
"Nơi này rất hẻo lánh, nằm trên đồi cao và gió thổi ràn rạt. Những lá cờ chúng tôi mang theo không chỉ là sự hiện diện của Tổ quốc mà động viên tinh thần anh em nỗ lực tất cả cho ngày dự án quốc gia về đích", ông Rô tự hào tâm sự.
-----------------------------------------
Trong hành trình tải dòng điện ra Bắc, tuyến dây 500kV mạch 3 đi qua các ngôi làng dọc đất nước. Ở đó, rất nhiều người dân sau khi đã nhường đất đai, ruộng vườn lại tiếp tục khoác màu áo công nhân góp công nối dài đường điện quốc gia.
Kỳ tới: Nhường ruộng, góp công đưa điện ra Bắc