Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ sáu, 26/04/2024 | 15:03 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Phát triển năng lượng

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2

28/04/2023
Ngày 27/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Phòng điều khiển trung tâm Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Với quy mô tổng diện tích 131,74 ha, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 có công suất 1.200 MW - là dự án có quy mô công suất lớn tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Đây là Dự án nguồn điện cấp bách thuộc Tổng sơ đồ điện VII và Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh. Sau khi hoàn thành đưa vào vận hành, hằng năm nhà máy Thái Bình 2 sẽ cung cấp khoảng 7,2 tỷ kW giờ lên lưới điện quốc gia, với doanh thu khoảng 18.000 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách Nhà nước khoảng trên 400 tỷ đồng/năm, sử dụng trực tiếp và gián tiếp trên 400 lao động tại địa phương, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ nói chung, tỉnh Thái Bình nói riêng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, động viên đội ngũ cán bộ, kỹ sư Phòng Điều khiển trung tâm Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Dự án sử dụng công nghệ lò than phun đốt trực tiếp, tuần hoàn tự nhiên với thông số cận tới hạn và các chỉ tiêu cao về hiệu suất, độ ổn định, an toàn, đáp ứng tốt các điều kiện phát thải theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế; thân thiện, bảo vệ môi trường do áp dụng các công nghệ giảm phát thải NOx, lọc bụi, khử SOx, xử lý nước thải hiện đại.
Đến nay, 2 tổ máy đã hoàn thành quá trình chạy thử nghiệm thu và đã phát điện, cung cấp cho Hệ thống điện quốc gia trên 1 tỷ kW giờ. Dự án đã trải qua nhiều giai đoạn biến động, đặc biệt là có thời điểm tưởng chừng như dự án đã phải “đóng băng” do các vụ việc diễn ra trong quá khứ, dẫn đến vướng mắc liên quan đến cơ sở pháp lý và nguồn vốn triển khai dự án, đại dịch Covid 19... Nhưng vượt lên tất cả, trên mảnh đất Thái Bình - nơi được mệnh danh là "cái nôi” của ngành dầu khí, bằng khát vọng và quyết tâm của người đi tìm lửa, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập thể cán bộ, nhân viên Petrovietnam đã miệt mài không quản ngày đêm, dốc hết sức lực, vượt qua khó khăn; tất cả cho sự hồi sinh, hoàn thành và bảo đảm chất lượng công trình đối với dự án trọng điểm quốc gia - Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Phòng điều khiển trung tâm Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Hiện nay, tổng công suất các nhà máy điện đã vận hành của Petrovietnam là hơn 6.600 MW, bao gồm Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, chiếm khoảng 8,5% tổng công suất lắp đặt của cả nước. Kết quả này khẳng định vững chắc vai trò và vị thế của Petrovietnam với tư cách là nhà sản xuất điện lớn thứ 2 tại Việt Nam. Petrovietnam cam kết vận hành nhà máy an toàn, ổn định và hiệu quả; phối hợp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong việc huy động tối ưu sản lượng điện sản xuất của nhà máy và với chính quyền địa phương trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và bảo đảm môi trường cho người dân trong vùng dự án.
Trước lễ khánh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo đã đi tham quan các hạng mục chính của nhà máy; thăm Phòng điều khiển trung tâm nhà máy.
Nói chuyện với đội ngũ cán bộ, kỹ sư vận hành, Thủ tướng chúc mừng nhà máy đã dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, vận hành thông suốt, đạt mức công suất tối đa thiết kế, tạo việc làm cho nhiều người. Thủ tướng mong cán bộ công nhân viên nhà máy bảo đảm vận hành an toàn, qua đó đáp ứng yêu cầu tối đa về nhu cầu điện, đồng thời bảo đảm vệ sinh môi trường.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Phát biểu ý kiến tại lễ khánh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng trong không khí phấn khởi cả nước chào mừng các ngày lễ (Giỗ Tổ Hùng Vương, 48 năm Ngày giải phóng miền nam 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5, Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5) được về tham dự sự kiện quan trọng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là vướng mắc về mặt pháp lý, nhưng Petrovietnam và các đơn vị đã vận dụng sáng tạo, nỗ lực không mệt mỏi, hồi sinh nhà máy sau quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt là của Petrovietnam cũng đúng vào lúc bùng phát đại dịch Covid-19 cao điểm nhất của Việt Nam cũng như trên thế giới. Từ đó thấy niềm vui nhân lên, thể hiện sự quyết tâm rất cao vượt qua thách thức, hồi sinh nhà máy theo đúng tiến độ, yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng khẳng định, sự kiện khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 mang nhiều ý nghĩa to lớn, đó là: góp phần công nghiệp hóa, điện khí hóa nông thôn ở tỉnh Thái Bình; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia nói chung, cho khu vực Đồng bằng sông Hồng và tỉnh Thái Bình nói riêng; thực hiện kinh tế tuần hoàn; góp phần tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân trong quá trình xây dựng cũng như vận hành nhà máy hiện nay; góp phần tăng thu ngân sách quan trọng cho địa phương; đặc biệt đánh dấu sự trưởng thành của Petrovietnam, các nhà thầu, lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh Thái Bình; khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong phát triển năng lượng, hợp “Ý đảng, lòng dân”.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc khánh thành Dự án thể hiện thành quả của ngày đêm không mệt mỏi, vượt mọi khó khăn của hàng nghìn cán bộ công nhân viên, người lao động trên công trường, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp, các ngành; sự quyết liệt trong tổ chức thực hiện của Petrovietnam của Tổng thầu và các nhà thầu cũng như sự ủng hộ của chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng cảm ơn đồng bào, nhân dân nhường đất ở, canh tác lâu đời cho dự án; mong chính quyền địa phương các cấp tỉnh Thái Bình tiếp tục quan tâm, chăm lo nhân dân trong vùng dự án di dời đến nơi ở mới có cuộc sống bằng hoặc hơn nơi ở cũ.
Thủ tướng nhấn mạnh, nhờ quyết tâm thực hiện công trình, chúng ta đã “được người, được của, được việc, được tổ chức, được lòng dân”; đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, nhân dân lên trên hết; công tác nghiên cứu đầu tư kỹ lưỡng, tôn trọng thực tiễn khách quan, không đội vốn, kéo dài, lãng phí nguồn lực, không mất cán bộ; tăng cường giám sát, kiểm tra ngay từ khâu chuẩn bị, phê duyệt, thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán; mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm trong điều kiện vướng mắc về pháp lý, thi công trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19, phải tiết kiệm nguồn vốn…
Điều quan trọng là chúng ta thống nhất, vận dụng sáng tạo để hoàn thành dự án, nhờ đó không phải sử dụng nguồn vốn của Nhà nước, của tập đoàn, ngược lại, lại tiết kiệm hơn 200 tỷ đồng. Theo Thủ tướng, rõ ràng, ý nghĩa ở đây là sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vận dụng hiệu quả, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý để không phải sử dụng vốn Nhà nước, tiết kiệm vốn đã được phê duyệt. Điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao. Chúng ta cũng thực sự phân cấp mạnh mẽ, tách bạch quản lý Nhà nước với quản lý vốn, giao nhiệm vụ này trực tiếp cho Petrovietnam. Chúng ta đã thực hiện phân cấp nhưng có cơ cấu huy động nguồn lực, khi gặp khó khăn không bi quan, không lạc quan, thể hiện quyết tâm cao, nỗ lực lớn, cố gắng nhiều, quyết liệt tổ chức thực hiện; đề cao trách nhiệm cá nhân, cụ thể là lãnh đạo Tập đoàn; có sự nỗ lực hồi sinh dự án của cán bộ, công nhân viên chức không quản khó khăn, ngày đêm, thi công trong điều kiện dịch Covid-19; biến nguy thành cơ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; thực hiện chống dịch an toàn, hoàn thành đúng tiến độ.
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Petrovietnam cần rà soát lại toàn bộ công việc của nhà máy theo đúng tiêu chuẩn, quy trình, tiêu chí của một nhà máy hiện đại theo quy định của pháp luật, bảo đảm vận hành an toàn, môi trường cho nhà máy và người dân chung quanh; vận hành an toàn nhưng phải bảo đảm công suất đáp ứng yêu cầu về an ninh năng lượng; tổ chức vận hành quản trị nhà máy theo tiêu chuẩn tiên tiến, áp dụng chuyển đổi số, tiết giảm chi phí, cải cách thủ tục hành chính, giảm giá thành.
"Đối với điện có 5 yếu tố quan trọng là nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện phù hợp vùng miền, sử dụng điện tiết kiệm điện hiệu quả, bảo đảm giá điện phù hợp, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân."
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, Petrovietnam cũng phải phối hợp chặt chẽ, vận hành nhà máy an toàn, không để xảy ra sự cố; phải bình tĩnh phối hợp chặt chẽ khi có sự cố để xử lý nhanh, kịp thời và hiệu quả.
Thủ tướng cũng yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn cho nhà máy, người dân; tiếp tục tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân; chăm lo, quan tâm người dân đã nhường đất cho dự án.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Một số thông tin chính về Dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
- Địa điểm: xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình
- Diện tích đất sử dụng: 131,74 ha
- Chủ đầu tư: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam)/Đại diện Chủ đầu tư: Ban Quản lý dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2
- Tổng thầu EPC: Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PetroCons).
- Tư vấn chủ đầu tư: Liên danh Fichtner (CHLB Đức) và PCC (Việt Nam).
- Nhà thầu cung cấp thiết bị chính: Liên danh Sojitz (Nhật Bản) - Dealim (Hàn Quốc).
- Quy mô công suất: 1200 MW gồm 2 tổ máy (2 x 600 MW).
- Công nghệ: Dự án sử dụng công nghệ lò than phun đốt trực tiếp, tuần hoàn tự nhiên, thông số cận tới hạn.
- Điện năng sản xuất: 7,2 tỷ kW giờ/năm.
- Tổng mức đầu tư (sau VAT) là 41.799.131 tỷ đồng.
- Các mốc tiến độ chính của Dự án:
+ Ký Hợp đồng EPC: 11/10/2011;
+ Ngày khởi công: 1/3/2011;
+ Đốt dầu lần đầu Tổ máy 1: 23/2/2022;
+ Hòa lưới điện Tổ máy 1 bằng dầu: 12/5/2022;
+ Đốt than lần đầu Tổ máy 1: 16/6/2022;
+ Kết thúc chạy tin cậy Tổ máy 1: 5/2/2023;
+ Đốt dầu lần đầu Tổ máy 2: 27/8/2022;
+ Hòa lưới điện Tổ máy 2 bằng dầu: 7/10/2022;
+ Đốt than lần đầu Tổ máy 2: 10/1/2023;
+ Kết thúc chạy tin cậy Tổ máy 2: 14/4/2023;
+ Khánh thành Nhà máy: 27/4/2023.
* Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thị sát Khu công nghiệp Liên Hà Thái. Cùng đi có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.
Khu kinh tế Thái Bình có vị trí kết nối của vùng tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội- Hải Phòng-Quảng Ninh, có tuyến đường cao tốc ven biển và tuyến đường ven biển chạy qua suốt chiều dài Khu kinh tế, kết nối từ Quảng Ninh, Hải Phòng xuống đến Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa. Tuyến đường ven biển có quy hoạch 8 làn (hiện đang xây dựng 2-4 làn). Ngoài ra, Khu kinh tế còn có hệ thống giao thông kết nối với các tuyến đường quốc lộ 37, quốc lộ 39, quốc lộ 10, đường Thái Bình-Hà Nam. Khu công nghiệp Liên Hà Thái (Green IP-1) với diện tích 588,84 ha được phê duyệt Chủ trương đầu tư vào ngày 8/2/2023, là dự án trọng điểm và tiên phong của Khu kinh tế Thái Bình. Khu công nghiệp có vị trí giao thông thuận lợi để kết nối với các thành phố lớn, sân bay quốc tế, cảng nước sâu của Hải Phòng khi nằm tiếp giáp “đường ven biển” và tuyến “cao tốc ven biển”, tiếp giáp quốc lộ 39, quốc lộ 37, tỉnh lộ 456.
Sau khi tuyến đường ven biển đi vào hoạt động, khoảng cách từ Khu công nghiệp Liên Hà Thái (Green iP-1) đến các vùng lân cận sẽ rút ngắn đi rất nhiều. Hiện nay trong vòng 2 năm kể từ ngày nhận chủ trương đầu tư, Khu công nghiệp đã thu hút được 7 nhà đầu tư thứ cấp, hầu hết là các dự án điện-điện tử với tổng vốn đầu tư 731 triệu USD. Tuy là con số vẫn khiêm tốn nhưng góp phần đưa Tỉnh Thái Bình lần đầu tiên vào top 10 trên cả nước trong việc thu hút đầu tư. Giải phóng mặt bằng luôn là bài toán khó, tỉnh trực tiếp chỉ đạo, huyện song hành cùng với công ty trong 2 năm qua đã giải phóng mặt bằng sạch 582 ha (tức đã đạt 98% diện tích khu công nghiệp)…
Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo chủ đầu tư quy hoạch đồng bộ hạ tầng giao thông, điện, nước, bảo vệ môi trường, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, quy hoạch 1 khu nhà ở cho công nhân theo hướng mua, thuê và thuê mua.
Thủ tướng lưu ý, Thái Bình về lâu dài vẫn là tỉnh nông nghiệp, cho nên vẫn phải coi trọng phát triển nông nghiệp, nhưng phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; quy hoạch các khu công nghiệp phù hợp tiềm năng thế mạnh, tập trung làm tốt đầu tư đường cao tốc Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình.
Thủ tướng lưu ý thêm, đối với khu công nghiệp này cần đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng xã hội như trường học, y tế, giao thông đi lại thuận lợi... vì nơi đây dự kiến thu hút 50 đến 60 nghìn công nhân đến làm việc. Từ đó, mở ra không gian phát triển mới, góp phần tăng trưởng tiêu dùng, phát triển kinh tế; đồng thời cần quy hoạch luôn các khu đất cho các công trình chức năng như dịch vụ hải quan, ngân hàng, đồn công an để bảo đảm an ninh trật tự. Tập trung làm hoàn chỉnh mô hình khu công nghiệp này, rồi nhân rộng mô hình này ra; quy hoạch phải bài bản, đồng bộ. Tỉnh phải giao đất cho chủ đầu tư làm nhanh khu công nghiệp này. Thủ tướng mong Khu công nghiệp Liên Hà Thái trở thành kiểu mẫu của tỉnh Thái Bình, sớm lấp đầy diện tích, thu hút nhiều nhà đầu tư vào đây.
Thăm nhà máy Lotes trong khu công nghiệp, Thủ tướng hoan nghênh nhà đầu tư đã tin tưởng, đầu tư tại đây; đề nghị chủ đầu tư làm ăn tuân thủ đúng pháp luật, phát triển sản xuất, kinh doanh thuận lợi, bảo đảm lợi ích hài hòa cho Nhà nước, nhà đầu tư, người dân, làm tốt an sinh xã hội, môi trường, chú ý vấn đề nhà ở cho công nhân; góp phần đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Việt Nam; kết nối các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo Báo Nhân dân.

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151