Ngày 9/5, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi tiếp và làm việc với bà Ann Måwe, Đại sứ Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam.
Hai bên đã dành thời gian thảo luận các hoạt động được lên kế hoạch cho năm 2023 của Thụy Điển trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng xanh ở Việt Nam và khả năng tổ chức các đoàn công tác cấp cao nhân kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Thụy Điển vào năm 2024.
Năm 2024 sẽ kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Điển (Ảnh: moit.gov.vn) Bà Ann Måwe nhấn mạnh trong thời gian gần đây, Thụy Điển luôn thể hiện mong muốn tăng cường phát triển hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng và phát triển bền vững, Thụy Điển là quốc gia Bắc Âu đi đầu trong đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững, Thụy Điển có các kinh nghiệm thực tiễn, các doanh nghiệp Thụy Điển sở hữu các giải pháp công nghệ để tiên phong và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh.
Đồng thời, bà Đại sứ cũng giới thiệu hai công ty lớn của Thụy Điển hoạt động trong lĩnh vực năng lượng là Ericsson, Hitachi Energy và triển vọng cung cấp giải pháp chuyển đổi xanh trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam của các công ty này.
Bà Đại sứ cũng thông báo tới Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin về Tổ chức tài trợ phát triển của Thụy Điển “Swedfund” với mong muốn hỗ trợ Việt Nam và cụ thể là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhận được những khoản tài trợ đối với việc nghiên cứu phát triển lưới điện thông minh.
Trao đổi về vấn đề năng lượng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhận định việc triển khai thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) là một trong những giải pháp quan trọng cho quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay thông tin về gói hỗ trợ trị giá hơn 15,5 tỷ đô la từ các nước phát triển cho Việt Nam để chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch vẫn chưa minh bạch, rõ ràng.
Trong khi đó, muốn triển khai thành công thì JETP cần có nội hàm rõ ràng hơn, lộ trình cụ thể hơn, và cần có cơ chế để hiện thực hoá các ý tưởng, cam kết bằng hành động, dự án cụ thể.
Việt Nam đề nghị các nước phát triển, trong đó có Liên minh châu Âu và Thụy Điển xây dựng những gói tài trợ cụ thể, để có thể hỗ trợ Việt Nam thực hiện chuyển đổi năng lượng một cách hiệu quả. Hai bên cần sớm đưa ra lộ trình, cơ chế cần thiết để khoản vốn này sớm được giải ngân và đưa vào sử dụng hiệu quả, trong đó cần tập trung vào 03 nội dung hợp tác sau:
Thứ nhất, hỗ trợ tư vấn chính sách để Việt Nam có thể xây dựng chính sách phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch phù hợp cho tương lai.
Thứ hai, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các ngành năng lượng mới, công nghiệp mới, với chương trình hợp tác đào tạo cụ thể, từ đó có thể xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực để triển khai các ý tưởng chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam, sẵn sàng tiếp nhận công nghệ mới mà các nước phát triển có thể chuyển giao;
Thứ ba, hỗ trợ hoặc hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam tiếp nhận công nghệ mới, làm chủ công nghệ, quá trình sản xuất các thiết bị phục vụ cho quá trình chuyển dịch năng lượng, bao gồm cả các thiết bị điện gió như cánh quạt, tuabin, động cơ điện...; sản xuất nhiên liệu mới sạch hơn cho quá trình chuyển đổi năng lượng như hydrogen, amoniac xanh, hỗ trợ Việt Nam xây dựng lưới điện thông minh…
Việt Nam cần những hỗ trợ thực chất để đảm bảo có thể tự chủ về các nguồn năng lượng mới, đưa giá thành năng lượng tái tạo về mức hợp lý, phù hợp với người dân, chứ không chỉ đơn thuần cần hỗ trợ vay vốn, mua thiết bị, mua công nghệ.
Theo VNEEP.