Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ hai, 20/05/2024 | 07:40 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Nghiên cứu đào tạo

Chương trình quản lý nhu cầu những thuận lợi và khó khăn tại Việt Nam

12/06/2023
Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện – Demand Side Management/DSM – mang lại nhiều lợi ích to lớn, trong đó một lợi ích cơ bản là chi phí để thay đổi, điều chỉnh giảm hoặc tiết kiệm 01 MW công suất phụ tải điện vào giờ cao điểm sẽ rẻ hơn chi phí để cung cấp thêm 01 MW công suất nguồn điện bằng việc xây dựng thêm nhà máy điện mới hoặc huy động các nguồn điện giá cao cùng hệ thống cơ sở hạ tầng lưới điện.
Đặt mục tiêu và các lợi ích của các Chương trình DSM trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam cũng như nhìn xa hơn cho 30 năm tiếp theo, có thể đánh giá các Chương trình DSM sẽ là một trong các giải pháp bền vững để góp phần thực hiện được các mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết tại COP 26 cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Trong những tháng cuối năm 2021, trên các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam và quốc tế, những cụm từ “Giá điện tăng vọt ở EU” hay “Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu do giá nhiên liệu tăng cao” và “Thiếu điện” đã trở thành chủ đề nóng được nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm tìm hiểu để xác định các nguyên nhân và giải pháp. Cũng vào thời điểm cuối năm 2021, đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (COP26). Tại Hội nghị COP26, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã khẳng định Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Giai đoạn hơn một thập kỷ trở lại đây, trong bối cảnh chung toàn cầu, các nguồn năng lượng sơ cấp (than, dầu, khí) ngày càng cạn kiệt, trái ngược với xu hướng tăng trưởng tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ điện và biến đổi khí hậu ngày càng tăng, để đảm bảo an ninh cung cấp điện, an ninh năng lượng và phát triển bền vững thì ngoài việc quan tâm phát triển phía CUNG cũng cần quan tâm đến phía CẦU.
Việt Nam đã chú trọng nghiên cứu và triển khai các công nghệ hiện đại, kết hợp với phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đặc biệt là quan tâm đến các giải pháp tập trung về phía cầu – khách hàng sử dụng điện hay theo thuật ngữ chuyên môn là phụ tải điện, trong đó có Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện – Demand Side Management/DSM. Ở Việt Nam, các Chương trình DSM đã bắt đầu được nghiên cứu từ năm 1997 khi Ngân hàng Thế giới hỗ trợ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (trước đây là Tổng công ty Điện lực Việt Nam - EVN) thực hiện Dự án “Đánh giá tiềm năng DSM ở Việt Nam” nhằm xác định tiềm năng DSM để hỗ trợ cho ngành điện tìm ra giải pháp hiệu quả đáp ứng nhu cầu điện với xu hướng tăng trưởng cao trong tương lai. Điều đó cho thấy các Chương trình DSM không phải là khái niệm mới mẻ ở Việt Nam mà ngược lại còn rất quen thuộc. Thực tế các quy định pháp lý tổng thể đều đề cập đến việc thực hiện Chương trình DSM như là một giải pháp góp phần đảm bảo an ninh cung cấp điện. Điều này được thể hiện ở Điều 16 Luật Điện lực, Điều 10 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. Cụ thể hơn là Quyết định số 2447/QĐ-BCN ngày 17/7/2007 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) phê duyệt Chương trình quốc gia về DSM giai đoạn 2007-2015 và Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 8/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về DSM đến năm 2030.
Tổng quan và lợi ích của Chương trình DSM
Chương trình DSM là tập hợp các giải pháp Kỹ thuật - Công nghệ - Kinh tế - Xã hội nhằm hỗ trợ khách hàng và đơn vị điện lực sản xuất, kinh doanh điện và sử dụng điện một cách hiệu quả và tiết kiệm. Chương trình DSM bao gồm các hoạt động gián tiếp và trực tiếp của các khách hàng sử dụng điện và quá trình đó được khuyến khích bởi các Đơn vị cung cấp điện (phía cung) thông qua các cơ chế chính sách với mục tiêu phân bố lại nhu cầu phụ tải điện vào giờ cao điểm, giờ thấp điểm và giờ bình thường để góp phần san bằng biểu đồ phụ tải điện, tăng hệ số phụ tải điện của hệ thống điện và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng.
Các cách thức thực hiện Chương trình DSM
Các Chương trình DSM sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các bên bao gồm khách hàng sử dụng điện, đơn vị cung cấp điện và toàn xã hội. Cụ thể, đối với đơn vị cung cấp điện, lợi ích là tăng hiệu quả đầu tư, độ tin cậy cung cấp điện, chất lượng cung cấp điện, tối ưu hóa cân bằng cung cầu, giảm áp lực đầu tư nâng cấp nguồn điện mới và mở rộng lưới điện, giảm chi phí sản xuất kinh doanh; đối với khách hàng sử dụng điện, lợi ích là giảm chi phí mua điện, được phục vụ với chất lượng cung cấp điện cao hơn, nhận được các khoản hỗ trợ, khuyến khích nhất định (tùy thuộc vào từng Chương trình DSM cụ thể), tăng hiệu quả sử dụng điện, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; đối với toàn xã hội, lợi ích là góp phần giảm áp lực tăng giá điện, góp phần phát triển ngành điện, ngành năng lượng bền vững, góp phần ổn định kinh tế - xã hội và phát triển môi trường bền vững.
Hiệu quả của mỗi Chương trình DSM phụ thuộc vào: (i) Số lượng khách hàng tham gia vào chương trình; (ii) Đối tượng và quy mô của khách hàng tham gia cụ thể ví dụ như khách hàng công nghiệp, thương mại hay tiêu dùng dân cư; (iii) Lợi ích từ mỗi chương trình và mức độ hài lòng của khách hàng; (iv) cơ chế chính sách, cơ chế khuyến khích, hỗ trợ; (v) Chi phí đầu tư, thực hiện.
Kết quả đạt được trong thời gian qua
Từ năm 2007, sau khi Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) ban hành Quyết định số 2447/QĐ-BCN, các Chương trình DSM đã được thực hiện thí điểm và chính thức, từng bước tác động vào nhận thức của khách hàng sử dụng điện trong việc sử dụng điện hiệu quả. Khách hàng sử dụng điện đã có những nhận thức ban đầu và thay đổi dần thói quen sử dụng điện theo hướng hiệu quả, chuyển sử dụng điện từ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm hoặc giờ bình thường, giảm dần nhu cầu tiêu thụ điện vào giờ cao điểm. Trong các Chương trình DSM đã thực hiện, thì hiệu quả rõ rệt nhất là Chương trình công tơ biểu giá điện theo thời gian - Time of Use/TOU, Chương trình này đã đem lại những tác động tích cực đối với hệ thống điện.
Góp phần cải thiện biểu đồ phụ tải điện của hệ thống điện, giảm chênh lệch phụ tải điện giữa giờ cao điểm và thấp điểm
Số lượng khách hàng TOU (trong công nghiệp, thương mại và dịch vụ) đã tăng từ 60.852 khách hàng năm 2007 (chiếm 0,58% tổng số khách hàng) lên 264.493 khách hàng năm 2015 (chiếm 1,11% tổng số khách hàng) và tăng lên 637.356 khách hàng năm 2020 (chiếm 2,2% tổng số khách hàng) tương ứng sản lượng tiêu thụ điện của khách hàng tăng từ 52,45% (2007) lên 64,8% (2015) và lên khoảng 73,86% (2020). Điều này cho thấy mặc dù số lượng khách hàng TOU là rất nhỏ, nhưng sản lượng tiêu thụ điện của khách hàng TOU chiếm tỷ trọng rất lớn, nên việc thay đổi thói quen tiêu thụ điện của các đội tượng khách hàng TOU sẽ đóng vai trò quyết định trong việc thay đổi và cải thiện biểu đồ phụ tải điện của hệ thống điện.
Hệ số phụ tải của hệ thống điện quốc gia đã được cải thiện từ mức 0,74 năm 2007 tăng lên gần 0,78 năm 2020; Hệ số phụ tải trung bình giai đoạn 2007-2015 đạt khoảng 0,77, giai đoạn 2015-2020 đạt khoảng 0,783 cải thiện đáng kể so với giai đoạn 2000-2006 chỉ đạt trung bình 0,7.
Nhu cầu tiêu thụ điện vào giờ thấp điểm và bình thường đều có xu hướng tăng cao hơn so với nhu cầu tiêu thụ điện vào giờ cao điểm. Ví dụ trong giai đoạn 2007-2015, tỷ trọng tiêu thụ điện bình quân của khách hàng TOU so với tổng sản lượng điện thương phẩm toàn quốc vào giờ thấp điểm là 14,4%, giờ cao điểm là 13%, giờ bình thường là 38,4%, sản lượng điện thương phẩm khách hàng TOU vào giờ cao điểm so với tổng sản lượng điện thương phẩm của khách hàng TOU chỉ chiếm 19,5%, trong khi vào giờ thấp điểm và bình thường là 80,5%. Ngoài ra chênh lệch công suất giữa phụ tải cực tiểu và cực đại của hệ thống điện quốc gia cũng được cải thiện đáng kể từ 0,43 giai đoạn 2000-2006 lên 0,51 giai đoạn 2007-2015 và 0,54 giai đoạn 2016-2020. Điều này cho thấy khách hàng có xu hướng chuyển dần sang sử dụng điện vào giờ bình thường và giờ thấp điểm, giảm tiêu thụ điện vào giờ cao điểm để giảm chi phí mua điện mà vẫn đảm bảo được kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Trong giai đoạn chưa triển khai Chương trình TOU, đồ thị phụ tải điển hình của hệ thống điện quốc gia chỉ có 2 cao điểm (sáng, chiều), sau khi áp dụng cơ chế giá TOU, đồ thị phụ tải hệ thống điện đã dần xuất hiện thêm một cao điểm vào buổi tối mặc dù cơ chế giá TOU chỉ có 2 khung giờ cao điểm sáng và chiều, đây là những phản ứng tích cực của khách hàng đối với biểu giá TOU khi thay đổi thói quen sử dụng điện từ cao điểm sang thấp điểm hoặc giờ bình thường.
Đối với mục tiêu về giảm phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia: trong giai đoạn 2007-2015, có 02 Chương trình có tác dụng giảm phụ tải đỉnh là Chương trình TOU và các Chương trình nâng cao nhận thức về DSM. Trong đó, các Chương trình nâng cao nhận thức về DSM có thể định lượng, đánh giá một cách tương đối hiệu quả cắt giảm phụ tải đỉnh. Tính đến năm 2015, thông qua việc thực hiện Chương trình quảng bá sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời và Chương trình quảng bá sử dụng đèn compact, trong đó, nếu chỉ tính riêng số lượng đèn compact, đèn tuýp gầy T8 và bình nước nóng năng lượng mặt trời đã được EVN triển khai lắp đặt cho các khách hàng sử dụng điện đã góp phần cắt giảm được khoảng 550 MW công suất phụ tải đỉnh trong giờ cao điểm của hệ thống điện, tương ứng 45% mục tiêu đề ra. Mặc dù kết quả này chưa đạt mục tiêu đề ra, nhưng đó chỉ là những kết quả có thể đo lường, định lượng một cách tương đối từ các chương trình do EVN và các đơn vị trực thuộc thực hiện và có số liệu thống kê tương đối đầy đủ. Nếu thống kê được tất cả số lượng bóng đèn compact hoặc hệ thống bình nước nóng năng lượng mặt trời do khách hàng sử dụng điện trực tiếp đầu tư, trang bị thì sẽ có kết quả cao hơn.
Một số khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được trong giai đoạn 2007-2015, Chương trình quốc gia về DSM giai đoạn 2007-2015 vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục khắc phục và hoàn thiện. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là các cơ chế khuyến khích, cơ chế tài chính chưa được nghiên cứu và ban hành đầy đủ để áp dụng đồng bộ và cụ thể cho các Chương trình quốc gia về DSM, đặc biệt là các cơ chế khuyến khích khách hàng sử dụng điện tham gia; cách thức tổ chức thực hiện cần điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam; cần có phương pháp đánh giá hiệu quả, đo lường kết quả của mỗi chương trình. Đây là những lý do, luận chứng về sự cần thiết để xây dựng Chương trình quốc gia về DSM giai đoạn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 8/3/2018.
Với cách tiếp cận mới và có sự kế thừa những kết quả tích cực của giai đoạn 2007-2015, Chương trình quốc gia về DSM giai đoạn đến năm 2030 đã đưa ra các mục tiêu, nội dung và giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện, cụ thể như sau:
Mục tiêu cụ thể:
  • Phấn đấu giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia khoảng 300 MW vào năm 2020, 1.000 MW vào năm 2025 và 2.000 MW vào năm 2030.
  • Hệ số phụ tải hệ thống điện quốc gia tăng từ 1%÷2% trong cả giai đoạn 2018 - 2020 và 3%÷4% trong cả giai đoạn từ 2021 - 2030.
  • Tiếp tục nghiên cứu và đẩy mạnh thực hiện các Chương trình DSM đã được triển khai hiệu quả trong giai đoạn 2007 - 2015 như Chương trình công tơ biểu giá điện theo thời gian (Time of Use - TOU), các Chương trình quảng bá, nâng cao nhận thức.
  • Từng bước mở rộng đối tượng khách hàng tham gia Chương trình quốc gia về DSM đến các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt; kết hợp thực hiện các Chương trình DSM với việc hỗ trợ, khuyến khích khách hàng tham gia đầu tư trang bị hệ thống năng lượng mặt trời lắp mái.
  • Phối hợp và thực hiện lồng ghép với các chương trình về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Lộ trình phát triển Lưới điện thông minh tại Việt Nam và định hướng phát triển các dạng nguồn năng lượng tái tạo để đảm bảo khai thác tối đa tiềm năng của các Chương trình DSM và đạt được hiệu quả cao nhất.
  • Xây dựng lộ trình cụ thể và phù hợp để triển khai các Chương trình DSM mới trong Chương trình quốc gia về DSM, đặc biệt là các Chương trình Điều chỉnh phụ tải điện (Demand Response - DR) với mục tiêu sau năm 2020 có thể triển khai rộng rãi với nhiều đối tượng khách hàng sử dụng điện tham gia trên toàn quốc.
Chương trình quốc gia về DSM xác định 03 nhóm nội dung chính cần tập trung thực hiện đồng bộ, bao gồm:
  • Nhóm nội dung 1: Xây dựng và hoàn thiện đầy đủ khung pháp lý để thực hiện Chương trình quốc gia về DSM;
  • Nhóm nội dung 2: Đẩy mạnh các chương trình, hoạt động để nâng cao nhận thức của xã hội, khách hàng sử dụng điện và đơn vị điện lực về Chương trình quốc gia về DSM;
  • Nhóm nội dung 3: Thực hiện các Chương trình DSM, trong đó các Chương trình điều chỉnh phụ tải điện (Demand Response) được xác định là trọng tâm để thực hiện trong giai đoạn đến năm 2030.
Đã gần 3 năm sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 279/QĐ-TTg, các nội dung đã được Bộ Công Thương chỉ đạo EVN và các đơn vị triển khai, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid 19 trong giai đoạn 2020-2021 nên nhu cầu phụ tải điện giảm đáng kể, dẫn đến nhu cầu thực hiện các Chương trình DSM không cao. Mặc dù vậy, theo thống kê của EVN, nếu tính riêng trong năm 2019, với việc đẩy mạnh thực hiện các Chương trình DR phi thương mại với các khách hàng sử dụng điện lớn, EVN đã thực hiện được 10 sự kiện DR với tổng điện năng tiết giảm khoảng 6,3 triệu kWh, trong đó sự kiện có công suất điều chỉnh giảm được lớn nhất là 514 MW. Đây là một tín hiệu rất tích cực và tiềm năng để thực hiện các Chương trình DR tại Việt Nam, đặc biệt vào những thời điểm nắng nóng phụ tải tăng cao, hay các thời điểm mất cân bằng cung-cầu điện do các nguyên nhân khác nhau.
Những khó khăn, vướng mắc và khuyến nghị:
  • Hiệu quả, lợi ích của các Chương trình DSM đã được các nước trên thế giới và thực tiễn tại Việt Nam xác thực. Đặc biệt đặt trong bối cảnh hiện nay và những mục tiêu về phát triển bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và mới đây nhất là cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 của Việt Nam tại Hội nghị COP26 thì càng phải tăng cường và đẩy mạnh thực hiện các Chương trình DSM.
  • Để việc thực hiện các Chương trình DSM đạt hiệu quả cao nhất, cần thẳng thắn nhìn nhận và có các giải pháp để vượt qua các khó khăn, vướng mắc sau:
  • Các cơ chế tài chính, cơ chế khuyến khích, cơ chế giá điện cần được rà soát, xây dựng, ban hành kịp thời và đầy đủ để áp dụng đa dạng và đồng bộ cho các Chương trình quốc gia về DSM, đặc biệt là các cơ chế khuyến khích khách hàng sử dụng điện tham gia. Vấn đề này cũng chính là nguyên nhân dẫn đến các Chương trình DSM nói chung trong giai đoạn 2007-2015 thực hiện chưa đạt được mục tiêu đề ra.
  • Sự tham gia chủ động của các khách hàng sẽ quyết định thành công của các Chương trình DSM. Để thu hút và thuyết phục được khách hàng, cần tổ chức xây dựng và thực hiện lồng ghép chiến lược và các chương trình truyền thông, quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng về Chương trình DSM, bao gồm nội dung, lợi ích của chương trình và các quy trình thực hiện để thay đổi cơ bản nhận thức của khách hàng trong việc sử dụng năng lượng nói chung và sử dụng điện nói riêng.
  • Hiệu quả hoặc lợi ích của các Chương trình DSM chưa thể định lượng hoặc đo lường chính xác do không có đủ số liệu thống kê hoặc chưa có phương pháp đánh giá để thực hiện, đặc biệt trong giai đoạn 2007-2015. Vì vậy, cần xây dựng và tổ chức thống kê bộ cơ sở dữ liệu bao gồm hệ số phụ tải điện, công suất cực đại hệ thống điện thuộc phạm vi quản lý và hệ thống điện quốc gia, biểu đồ phụ tải điện (hệ thống điện, khách hàng sử dụng điện,…), số lượng và đối tượng khách hàng áp dụng giá điện theo thời gian của từng thành phần phụ tải điện; đẩy mạnh công tác nghiên cứu phụ tải,… để làm cơ sở xác định mục tiêu, kiểm tra và đánh giá tiềm năng và hiệu quả thực hiện của Chương trình quốc gia về DSM cho các năm và từng giai đoạn tiếp theo.
  • Sự quan tâm và nguồn lực tổ chức thực hiện của các đơn vị, đặc biệt là các đơn vị điện lực bán điện cho khách hàng để triển khai Chương trình DSM còn hạn chế; công tác đào tạo, nâng cao trình độ tư vấn và nghiệp vụ tiếp xúc khách hàng về các nội dung và lợi ích của Chương trình DSM còn hạn chế.
  • Cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin cần tiếp tục được đầu tư, trang bị để có thể mở rộng và áp dụng đa dạng các Chương trình DSM đối với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.
  • Cần tiếp tục bổ sung các nguồn lực tài trợ để xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, để triển khai thí điểm hoặc chính thức nhân rộng trên phạm vi cả nước đối với mỗi Chương trình DSM và đặc biệt cần các nguồn lực tài trợ để triển khai quyết liệt các chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng đã áp dụng thành công trong giai đoạn trước.
Thông điệp cuối cùng mà tác giả muốn gửi đến người đọc là chúng ta đã và đang quan tâm đầu tư tốt đến phía “CUNG – nguồn điện, hạ tầng lưới điện” nhưng thực tế là với áp lực vốn đầu tư quá lớn (hơn 10 tỷ USD/năm theo Dự thảo QHĐ 8) cùng nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện đã và sẽ có thể dẫn đến nguy cơ cung không đáp ứng đủ cầu về điện. Chính vì vậy, với việc quan tâm thực hiện quản lý phía “CẦU” thông qua các Chương trình DSM sẽ vừa giải là giải pháp ngắn hạn, vừa là giải pháp dài hạn để góp phần đảm bảo an ninh cung cấp điện, an ninh năng lượng và phát triển bền vững./.
Mr. Nguyễn Quang Minh
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển thị trường điện lực và Đào tạo (ERAVCTED)
Cục Điều tiết điện lực (ERAV)
Hội KH&CN sử dụng năng lượng TK&HQ Viet Nam
Tài liệu tham khảo:
1) Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 8/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về DSM giai đoạn đến năm 2030.

Cùng chuyên mục

Trường Đại học Điện lực đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ

19/05/2024

Với định hướng trở thành trường đại học xuất sắc về nghiên cứu, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, Trường Đại học Điện lực luôn đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151