Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ hai, 29/04/2024 | 18:03 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Nghiên cứu đào tạo

PTSC sẽ sản xuất trạm biến áp cho trang trại gió ngoài khơi lớn nhất của Ba Lan

15/06/2023
PGE và Ørsted đã thỏa thuận với liên danh Semco Maritime và PTSC M&C để thiết kế, sản xuất và vận hành các trạm biến áp ngoài khơi cho trang trại điện gió Baltica 2. Đây nhà máy điện gió ngoài khơi lớn nhất ở phần biển Baltic của Ba Lan.
Theo thỏa thuận ký kết trực tuyến được thực hiện đầu tháng 6, 4 trạm biến áp 375MW, mỗi trạm được trang bị hai máy biến áp, sẽ thu năng lượng do tua-bin gió tạo ra, biến đổi và xuất vào đất liền, sẽ được sản xuất tại nhà máy của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C) ở Vũng Tàu.

Các trạm biến áp ngoài khơi sẽ được sản xuất tại nhà máy của PTSC M&C tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Semco Maritime chịu trách nhiệm thiết kế, mua sắm và lắp đặt hệ thống điện cao thế và trung thế, SCADA và các hệ thống phụ trợ được hỗ trợ bởi các kỹ sư tư vấn ISC và Hyundai Electric. Hợp đồng này sẽ được thực hiện trong thời gian từ năm 2023-2026.
Trang trại gió ngoài khơi Baltica 2 bao gồm 107 tuabin gió Siemens Gamesa 14MW với tổng cộng suất 1.498MW. Dự án sẽ được phát triển ở phần Ba Lan của Biển Baltic giữa Łeba và Ustka. Các tuabin gió cách bờ gần nhất là 25 km.
Baltica là nhà máy điện gió ngoài khơi lớn nhất ở phần biển Baltic của Ba Lan bao gồm hai trang trại gió Baltica 2 và Baltica 3 sẽ đạt tổng công suất lắp đặt 2,5GW. PGE và Ørsted có kế hoạch vận hành dự án Baltica 2 vào cuối năm 2027 và dự án Baltica 3 (1GW) vào cuối năm 2029.
Tập đoàn PGE Capital là công ty lớn nhất (tính về doanh thu và lợi nhuận) trong lĩnh vực năng lượng của Ba Lan. Theo ông Wojciech Dąbrowski, Chủ tịch Hội đồng quản trị của PGE Polska Grupa Energetyczna cho biết: "Việc ký kết hợp đồng cho các nhà máy điện ngoài khơi của Baltica 2 là một thỏa thuận quan trọng trong dự án.
Dự án đang phát triển và đã bước vào giai đoạn hoàn thiện các hợp đồng quan trọng khác cần thiết cho sự phát triển của Trang trại gió ngoài khơi Baltica. Các trạm biến áp thuộc giai đoạn 2 của Baltica với công suất khoảng 1,5GW, dự kiến ​​sẽ được đưa vào vận hành vào năm 2027”.
Giám đốc điều hành của Ørsted Offshore Ba Lan Agata Staniewska-Bolesta cho biết: “Việc ký kết hợp đồng cho các nhà máy điện ngoài khơi là một cột mốc quan trọng đối với dự án, giúp chúng tôi tiến gần hơn đến việc cung cấp dự án năng lượng tái tạo lớn nhất từ ​​​​trước đến nay của Ba Lan – một trang trại gió ngoài khơi sẽ sản xuất đủ năng lượng xanh đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của khoảng 2,4 triệu người Ba Lan”.
Ủy ban Châu Âu và Chủ tịch Văn phòng Điều tiết Năng lượng Ba Lan đã ban hành các Hợp đồng chênh lệch (CfD) và quyết định về mức hỗ trợ riêng cho các dự án.
Trong khi đó, tại sự kiện Ngày Thị trường Vốn vào thứ Năm tuần trước, "gã khổng lồ" điện gió Đan Mạch Orsted đã công bố mục tiêu lắp đặt 50 GW năng lượng tái tạo và đầu tư 475 tỷ DKK (68,52 tỷ USD) vào năm 2023 - 2030 trên phạm vi toàn cầu. Trong đó, triển vọng thị trường điện gió ngoài khơi hàng chục GW cho châu Á Thái Bình Dương được cung cấp bởi Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Australia.
Cũng tại sự kiện này, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Chủ tịch châu Á - Thái Bình Dương Per Mejnert Kristensen cho biết, Orsted đã "tạm dừng các hoạt động phát triển thị trường tại Việt Nam".
Tuy nhiên, ông Kristensen nhấn mạnh, Orsted vẫn tiếp tục theo dõi chặt chẽ sự phát triển thị trường và ban hành chính sách cho điện gió ngoài khơi của Việt Nam. Đồng thời, tập đoàn tiếp tục thực hiện các hoạt động hợp tác với các đơn vị trong nước thuộc chuỗi cung ứng để cung cấp các thiết bị cho các dự án điện gió ngoài khơi của Orsted trên toàn cầu.
Vào tháng 8/2022, Orsted và Tập đoàn T&T đã đề xuất 2 dự án điện gió ngoài khơi có tổng công suất 5GW ngoài khơi tỉnh Ninh Thuận. Dự án Ninh Thuận 1 công suất 3GW dự kiến bắt đầu từ 2029 - 2033 chia làm 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn phát triển 1GW. Dự án Ninh Thuận 2 công suất 2GW dự kiến được phát triển từ năm 2030 đến 2037 theo 2 giai đoạn,với 1GW cho mỗi giai đoạn.
Tháng 5 vừa qua, Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) đã ký hợp đồng sản xuất 33 chân đế móng cho trang trại điện gió ngoài khơi Đài Loan cho Orsted và trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên nhận được đơn đặt hàng số lượng lớn thiết bị điện gió ngoài khơi.
Nhằm nâng cao năng lực thiết kế cho các công trình điện gió ngoài khơi, PTSC M&C, một trong những đơn vị chủ lực của PTSC, cũng vừa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Viện Năng lượng Việt Nam và Công ty DNV. Theo thỏa thuận, DNV cung cấp các sản phẩm phần mềm Sesam để thiết kế móng tuabin gió ngoài khơi và WindFarmer để thiết kế các trang trại gió và phân tích sản xuất năng lượng cũng như lợi ích chi phí.
Một trong những lĩnh vực kinh doanh thế mạnh của DNV là cung cấp các giải pháp kỹ thuật số và ứng dụng phần mềm, tập trung vào thị trường năng lượng, hàng hải và chăm sóc sức khỏe, công trình ngoài khơi, tàu… giúp các công ty số hóa và quản lý các hoạt động kinh doanh quan trọng theo cách bền vững, tiết kiệm chi phí, an toàn và bảo mật.
DNVis cung cấp dịch vụ bảo đảm và quản lý rủi ro độc lập, hoạt động tại hơn 100 quốc gia. DNV đã làm việc trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng gió ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và hiện đang tập trung vào thị trường Việt Nam và Australia, là những khu vực có tiềm năng năng lượng gió cao, bao gồm cả các công trình cố định và nổi ngoài khơi.
PTSC M&C đã phục vụ thành công thị trường dầu khí trong nước và khu vực với gần 80 dự án cho nhiều loại cơ sở dầu khí, bao gồm giàn xử lý, giàn đầu giếng, khu sinh hoạt, mô-đun dưới biển và mô-đun FPSO. PTSC M&C cũng là thành viên liên danh cho các dự án điện gió ngoài khơi Hải Long 2 và Hải Long 3 tại Đài Loan.
Theo Mekong Asean

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151