Các đại biểu thảo luận tại Diễn đàn “Tiết kiệm năng lượng - Hiện thực hóa cam kết net zero”.Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả- giải pháp thiết thực
Việt Nam có danh sách các nước có tiềm năng lớn để đầu tư thêm các nguồn năng lượng tái tạo mới như: Điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện sóng biển và khí sinh học Biogas, bên cạnh các nguồn năng lượng sẵn có như điện khí tự nhiên hóa lỏng, thủy điện và điện than.
Để tận dụng được hết tiềm năng vốn có Việt Nam, cần có những chính sách khuyến khích để mở rộng thị trường năng lượng tái tạo, thúc đẩy và triển khai công nghệ mới, cung cấp cơ hội thích hợp, cũng như khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo ở tất cả các lĩnh vực quan trọng. Với sự hỗ trợ từ các chính sách cụ thể, những dự án năng lượng tái tạo sẽ có cơ sở để phát triển và thu hút nhà đầu tư, thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước, giúp các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Các chuyên gia khẳng định, ngành năng lượng Việt Nam những năm gần đây phát triển mạnh trong tất cả các khâu: Thăm dò, khai thác, sản xuất, truyền tải, phân phối và xuất nhập khẩu năng lượng. Điều đó góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, quy mô và hiệu quả ngành năng lượng còn thấp, trạng thái an ninh năng lượng Việt Nam chưa được bảo đảm, hiện tượng “sa thải phụ tải điện” xảy ra thường xuyên vào kỳ cao điểm. Dự trữ dầu quốc gia chưa đủ khả năng bình ổn giá khi xảy ra khủng hoảng giá dầu trên thị trường quốc tế.
Tại Diễn đàn các chuyên gia, nhà quản lý đã thảo luận, đóng góp thêm các kiến nghị, đề xuất về chủ trương chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo điều kiện phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo trong giai đoạn tới.
Ông Đặng Hải Dũng - Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết: Năng lượng là vấn đề luôn được Chính phủ đặt lên hàng đầu. Từ những năm 90 của thế kỷ trước khi nền kinh tế mở cửa thì GDP tăng rất nhanh đã đặt lên áp lực cho toàn bộ hệ thống năng lượng, trong đó có hệ thống điện. Tại Việt Nam, trong giai đoạn vừa qua, nhu cầu năng lượng đã không ngừng tăng trưởng với tốc độ cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới, trong đó, nhu cầu năng lượng sơ cấp trong giai đoạn 2010 - 2019 tăng trưởng khoảng 6%/năm, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm bình quân là 10,9% trong giai đoạn 2010 - 2015 và 10,1% trong giai đoạn 2016 - 2019.
Ngay từ những tháng đầu năm 2023, cả nước đã phải trải qua nhiều đợt nắng nóng cao điểm khiến nhu cầu sử dụng điện của các hộ sinh hoạt, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đều tăng cao. Chính vì vậy, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một giải pháp thiết thực giúp cải thiện hiệu quả nền kinh tế, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Có thể thấy rằng, Chính phủ đã quan tâm đến vấn đề năng lượng, tiết kiệm điện trong sản xuất kinh doanh và tiêu dùng từ rất sớm. Cụ thể, ban hành Nghị định số 102/2003/NĐ-CP ngày 03/9/2003 về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hay Quyết định số 79 ngày 14/4/2006 Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006 - 2015; Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/03/2019 Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 -2030. Đặc biệt là từ năm 2010 đã trình Quốc hội về Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đây là cam kết mạnh mẽ nhất, là văn bản pháp lý cao nhất để khẳng định tất cả các chủ trương chính sách của chính phủ về tầm quan trọng của tiết kiệm năng lượng.
Trao đổi tại diễn đàn, ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Những năm qua việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả là chính sách lớn và xuyên suốt của Đảng, Chính phủ và trong việc này EVN đã thực hiện rất nhiều năm qua dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương và Chính phủ.
Với với mức tăng trưởng GDP bình quân từ 6 - 7%/năm thì một năm cần thêm 10 tỷ kwh điện. Điện thương phẩm năm 2022 khoảng 242 tỷ kwh. Nếu tiết kiệm 1% sản lượng điện thương phẩm đã có 2,5 tỷ kWh điện, và từ năm 2023 nếu thực hiện tốt theo Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ thì mỗi năm sẽ tiết kiệm được 5 tỷ kWh điện, con số này tương đương với 1 nhà máy nhiệt điện khoảng 1000 MW. “Chính vì vậy việc sử dụng tiết kiệm điện và hiệu quả sẽ góp phần xây dựng nguồn điện đầu tiên để đáp ứng điện cho phát triển kinh tế và việc này cần quyết tâm thực hiện hơn trong thời gian tới”, ông Võ Quang Lâm nêu cụ thể.
Là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn nằm trong top đầu của cả nước, tỉnh Bắc Giang có tốc độ tăng trưởng năng lượng đặc biệt là điện năng rất cao. Ông Nguyễn Đức Hoàn - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết: Năm 2022 tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 19,8%, tăng trưởng điện thương phầm từ 16-17%. Năm 2023 tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến khoảng 14% và tăng trưởng điện thương phầm khoảng trên 12%. Năm 2023 việc thiếu điện trong giai đoạn nắng nóng đã ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế của tỉnh. Do đó khi Chính phủ, Bộ Công Thương ban hành các chương trình tiết kiệm điện thì tỉnh Bắc Giang cũng ban hành kế hoạch triển khai nghị quyết 55, các chương trình triển khai sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả từng giai đoạn, kế hoạch triển khai chỉ thị số 20 về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo.
Giải pháp được tỉnh Bắc Giang tập trung đầu tiên là công tác tuyên truyền để đưa tiết kiệm điện trở thành thói quen, nếp sống của toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh. Theo đó phối hợp với các đoàn thể triển khai mô hình tiết kiệm điện học đường, doanh nghiệp. Đồng thời triển khai kiểm tra, giám sát thực hiện tiết kiệm điện của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Hay như Thành phố Hà Nội việc triển khai các chương trình tiết kiệm điện được thực hiện linh hoạt. Ông Hoàng Minh Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội cho biết, các hoạt động tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện được thành phố tập trung triển khai bao gồm: Tuyên truyền nâng cao nhận thức; đào tạo nâng cao năng lực; kiểm tra giám sát và đánh giá việc tuân thủ các quy định của nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Đặc biệt, trong mỗi chính sách được ban hành, Thành phố Hà Nội đều đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để có thể triển khai có hiệu quả tới người dân và doanh nghiệp.
Quyết liệt thực hiện giải pháp tiết kiệm năng lượng, hiện thực hóa cam kết Net Zero.Chung tay hiện thực hóa mục tiêu tiết kiệm năng lượng
Để hiện thực hóa các giải pháp, tại diễn đàn các chuyên gia đã dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận về những khó khăn, thách thức trong việc triển khai thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng góp phần hiện thực hóa hóa cam kết Net Zero.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chuyên gia năng lượng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho biết: Nếu đến năm 2030, Việt Nam tiết kiệm khoảng 9% năng lượng thì sẽ giảm bớt được 10 triệu tấn dầu quy đổi, tương đương với 1,5 lượng lọc dầu của nhà máy Dung Quất hoặc giảm 40% lượng xăng dầu tiêu thụ... Đối với điện nếu tiết kiệm khoảng 9% thì đến năm 2030 sẽ tiết kiệm được 45 tỉ kWh. Đây là con số rất lớn và khẳng định được mục tiêu và hiệu quả của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Đặng Hải Dũng cho biết, để hiện thực hóa mục tiêu tiêu tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương tập trung vào 2 nhóm đối tượng sử dụng năng lượng lớn là công nghiệp và gia đình. Cụ thể, đối với công nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư công nghệ sản xuất tiết kiệm năng lượng. Đối với hộ gia đình tuyên truyền ưu tiên sử dụng thiết bị công nghệ hiệu suất cao.
Bộ Công Thương cũng đang tiến hành rà soát, sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong việc thực thi các quy định của luật.
Trong quá trình rà soát, Bộ Công Thương sẽ tập trung đánh giá lại 5 nhóm vấn đề: Thứ nhất là nhóm vấn đề đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; Nhóm thứ 2 là đối với các trang thiết bị sử dụng năng lượng; Nhóm thứ 3 liên quan đến các cơ sở đào tạo, đơn vị cung cấp nguồn nhân lực cho việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Nhóm thứ 4 liên quan đến các cơ chế hỗ trợ tài chính cho các dự án tiết kiệm năng lượng; Nhóm thứ 5 là nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, quy trách nhiệm rõ ràng hơn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực như giao thông vận tải, xây dựng,
Khảo sát của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3) cho thấy, các ngành công nghiệp của Việt Nam đang chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 30 - 35%. Hiện, cả nước có 3.068 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, có mức tiêu thụ điện bình quân là 80 tỷ kWh/năm. Nếu các cơ sở tiêu thụ điện trọng điểm này thực hành để tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm thì bình quân mỗi năm cả nước tiết kiệm được khoảng 1,6 tỷ kWh, tương ứng với tiền điện tiết kiệm được hơn 3.200 tỷ đồng. Tương tự, với 27 triệu hộ gia đình, nếu tiết kiệm 1% điện thì mỗi năm cả nước tiết kiệm được 630 triệu kWh, tương đương 1.174 tỷ đồng.
Để thực hiện mục tiêu trên, việc các doanh nghiệp sản xuất tăng cường triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm chi phí vận hành mà còn góp phần quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống, qua đó nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn nhiên liệu, năng lượng ngày càng trở nên khan hiếm thì sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn góp phần giảm phụ thuộc nhập khẩu năng lượng. Tiêu tốn ít năng lượng hơn cũng đồng nghĩa giảm phát thải ra môi trường…
Theo Báo Xây dựng