Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ hai, 29/04/2024 | 20:11 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Hoạt động ERAV

Cục Điều tiết điện lực chủ trì tổ chức Đoàn công tác của Việt Nam tham gia Cuộc họp lần thứ 2 GMS ETTF

12/12/2023
Trong các ngày từ 4-6 tháng 12 năm 2023, Cuộc họp lần thứ 2 Nhóm công tác về Chuyển dịch Năng lượng của các Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS ETTF) và Chương trình đào tạo về Thị trường điện cạnh tranh khu vực đã được ADB và nước chủ nhà Campuchia tổ chức thành công tại SiemRiep. Tham dự cuộc họp lần này, ngoài đại diện của các nước trong GMS ETTF, còn có đại diện của Trung tâm Năng lượng ASEAN (ACE), đại diện của Hội đồng các lãnh đạo ngành Điện khu vực Đông Nam Á (HAPUA).
Mục tiêu rõ ràng của GMS ETTF trong giai đoạn này được xác định không chỉ tập trung hợp tác để tăng cường liên kết lưới điện và mua bán điện song phương giữa các nước GMS, mà còn thúc đẩy hình thành, phát triển thị trường điện khu vực GMS và các nước Đông Nam Á, đồng thời mở rộng sang lĩnh vực năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng và tài chính xanh, hướng đến mục tiêu chuyển dịch năng lượng bền vững trong khu vực. Tiếp nối những kết quả đã trao đổi và đề xuất tại cuộc họp GMS ETTF lần thứ 1 tại Philipine vào tháng 6 năm 2023, cuộc họp lần này các nội dung và đề xuất đã được ADB và nhóm chuyên gia tư vấn trình bày cụ thể hơn, tập trung vào: (i) Cập nhật kế hoạch hành động và tiến độ thực hiện chuyển dịch năng lượng của các nước khu vực ASEAN, cũng như cập nhật sự phát triển của lưới điện liên kết khu vực ASEAN (APG) và Nghiên cứu Quy hoạch tổng thể liên kết lưới điện khu vực ASEAN (AIMS); (ii) Thúc đẩy phát triển thị trường điện và kết nối lưới điện khu vực trong GMS và các tiểu vùng khác trong ASEAN; (iii) Xu hướng và phát triển thị trường điện ở các khu vực khác trên thế giới; (iv) Đề xuất Dự án nghiên cứu xây dựng và thí điểm thị trường điện khu vực GMS; (v) Đề xuất các hoạt động sử dụng năng lượng hiệu quả với mục tiêu thành lập Nhóm công tác về hiệu quả năng lượng vào năm 2024; (vi) Đề xuất kế hoạch hoạt động của GMS ETTF trong năm 2024 và các nhu cầu đào tạo và năng cao năng lực cho các quốc gia thành viên GMS.
Toàn thể các đại biểu tham gia trực tiếp Cuộc họp GMS ETTF lần thứ 2 
Tham dự GMS ETTF lần thứ 2, đại diện Trung tâm Năng lượng ASEAN đã cập nhật bức tranh tổng thể về lộ trình thực hiện chuyển dịch năng lượng của các nước ASEAN, cụ thể có 7/10 nước có cam kết đạt NetZero hoặc Trung hòa Cacbon vào năm 2050; Indonexia có cam kết đạt vào năm 2060, Thái Lan cam kết đạt Netzero vào năm 2065 và Philipine chưa có cam kết tiến độ cụ thể. Mặc dù vậy, qua cập nhật tình hình triển khai của các nước thì đều có chung những thách thức và khó khăn cần sự hợp tác và hỗ trợ tích cực của các nước và các tổ chức tài chính trên thế giới trong một số vấn đề liên quan đến huy động nguồn lực tài chính, công nghệ và đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong nhiều chủ đề và giải pháp mới liên quan đến chuyển dịch năng lượng. 
Đại diện Cục ĐTĐL trình bày về cập nhật về hiện trạng, định hướng phát triển hệ thống điện và quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam
STTQuốc gia
Tổng công suất đặt
(MW)
Tỷ lệ NLTT
(Bao gồm thủy điện)
1Trung Quốc2.564.000 (2022)45%
2Việt Nam82.357 (2023)56%
3Thái Lan49.514 (2023)24%
4Lào11.620 (2023)83%
5Myanmar7330 (2023)47%
6Campuchia4515 (2022)62%
Số liệu hiện trạng quy mô hệ thống điện các nước GMS (Cập nhật đến tháng 11/2023)
Đại diện HAPUA tham dự đã có chia sẻ về phát triển lưới điện liên kết và mua bán điện song phương giữa các nước trong khu vực ASEAN, theo đó ngoài các liên kết song phương trực tiếp giữa các nước ASEAN thì đã hình thành liên kết lưới điện giữa 4 nước là Lào – Thái Lan – Malaysia – Singapore, đây cũng sẽ là một tiền đề mở ra cơ hội để hình thành các liên kết lưới điện trong các nước ASEAN nói chung và GMS nói riêng. Đại diện HAPUA cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với GMS ETTF để thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh khu vực. 
Đại diện ADB trình bày các đề xuất để triển khai nghiên cứu, xây dựng và triển khai thí điểm thị trường điện cạnh tranh khu vực các nước GMS
Tại cuộc họp lần này, ADB và nhóm chuyên gia tư vấn đã cập nhật các kết quả đạt được sau 1 năm khởi động hoạt động Nhóm công tác GMS ETTF, đồng thời đề xuất cụ thể một dự án hỗ trợ kỹ thuật để nghiên cứu, xây dựng và triển khai thí điểm thị trường điện cạnh tranh khu vực các nước GMS, cụ thể với một lộ trình gồm các giai đoạn sau: (i) Rà soát, đánh giá và thiết kế các mô hình và kịch bản cho RPM; (ii) Triển khai thí điểm thị trường giao dịch với tối thiểu 03 quốc gia tham gia, trong đó giai đoạn đầu các giao dịch được thực hiện trên giấy với những cơ chế giao dịch đơn giản (Thị trường “Nông” - Shadow trading), không có thanh toán thật; (iii) Hoàn thiện từng bước để chuyển dần sang các giao dịch và thanh toán tài chính chính thức trên cơ sở mô hình thị trường được đề xuất phù hợp. Đối với đề xuất này, là nước duy nhất trong GMS đã có kinh nghiệm triển khai thị trường điện, ngoài cuộc họp ngày 6/11/2023 với ADB và nhóm tư vấn, phía Việt Nam đã có nhiều ý kiến góp ý chính thức để ADB và nhóm tư vấn có thể để xuất phương án triển khai dự án một cách hiệu quả và khả thi nhất. Các ý kiến của Việt Nam tập trung vào các vấn đề liên quan đến cơ sở pháp lý, thẩm quyền phê duyệt để triển khai; mô hình thị trường điện; các cơ chế về giá điện giữa các nước có sự khác nhau nhiều cần được rà soát đánh giá kỹ; các yêu cầu kỹ thuật kết nối lưới điện và hòa đồng bộ; hạ tầng cơ sở, các cơ chế vận hành dịch vụ phụ trợ trong bối cảnh hệ thống các nước sẽ tích hợp nhiều nguồn năng lượng tái tạo;…Tại cuộc họp, các nước còn lại trong khu vực GMS đều có chung ý kiến về chủ đề rất mới nên sẽ tiếp tục nghiên cứu và có ý kiến chính thức sau cuộc họp GMS ETTF lần thứ 2.
Đại diện nhóm tư vấn trình bày cách thức để đạt được thỏa thuận cơ sở pháp lý cho việc triển khai thí điểm thị trường điện khu vực GMS
Đối với hoạt động của Nhóm GMS ETTF những năm tiếp theo, trên cơ sở đề xuất của ADB, ý kiến của Việt Nam và các nước GMS, để triển khai hiệu quả Nhóm công tác GMS ETTF, ADB và các nước đã thống nhất cách thức tiếp cận như sau: (i) Tăng cường quan hệ đối tác với các đơn vị/nhóm công tác trong khu vực ASEAN (HAPUA, APGCC, EARN, ACE), các chương trình tiểu vùng (LTMS) và các đối tác phát triển khác (DFAT, JUMPP, WB,..); (ii) Thu hút và liên kết có chọn lọc với khu vực tư nhân, bằng cách thu hút họ với tư cách là người cung cấp nguồn lực; (iii) Triển khai linh hoạt và tăng tính minh bạch trong điều hành hoạt động GMS ETTF, trong đó yếu tố con người cần đảm bảo duy trì ổn định và có tính hệ thống, tránh sự xáo trộn nhiều. 
Đại diện Việt Nam trao đổi, đặt câu hỏi trong Chương trình đào tạo
Bên lề cuộc họp GMS ETTF lần 2, ADB tổ chức 01 ngày đào tạo các kiến thức cơ bản cho các thành viên tham gia của các nước GMS về thị trường điện cạnh tranh khu vực. Các nước đều ghi nhận và đánh giá cao về sự hỗ trợ của ADB trong công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đều có ý kiến về việc cần tiếp tục tổ chức thêm nhiều chương trình đào tạo từ cơ bản đến nâng cao về chủ đề thị trường điện quốc gia và khu vực, cần thiết có thể đào tạo riêng cho từng nước để hiểu rõ hơn bối cảnh và điều kiện triển khai khả thi thị trường điện khu vực GMS. Đối với riêng chủ đề về phát triển thị trường điện, đại diện Việt Nam chia sẻ sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm triển khai thị trường điện cạnh tranh cho các nước GMS để có thêm kinh nghiệm thực tiễn cùng nhau xây dựng thị trường điện khu vực một cách khả thi và hiệu quả.  
Cục Điều tiết điện lực

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151