Khung cảnh Hội thảoPhát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao và ổn định trong nhiều năm, trung bình từ 6,5-7%/năm và chính vì vậy, nhu cầu điện năng cũng tăng cao hằng năm, trung bình từ 8-10%. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã cam kết với cộng đồng quốc tế, đạt trung hoà cacbon vào năm 2050. Vì vậy, trong lĩnh vực năng lượng, Việt Nam vừa phải phát triển rất mạnh về tổng nguồn nhưng cũng phải chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu để hướng tới nền sản xuất xanh và sản xuất cacbon thấp.
Việt Nam cũng là một nền kinh tế có độ mở rất lớn, gần 200% và là nền kinh tế dựa vào xuất nhập khẩu, vì vậy, Việt Nam cũng cần phải chuyển đổi nhanh để thích ứng với nhu cầu ngày càng cao của các nước nhập khẩu.
“Chính vì vậy, trong đường lối phát triển, đặc biệt là trong Quy hoạch điện VIII đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra mục tiêu phải giảm các nguồn điện có nguồn gốc hoá thạch và tăng mạnh các nguồn năng lượng tái tạo và các nguồn phát thải thấp, thân thiện với môi trường.
Đồng thời, chủ trương ban hành các cơ chế chính sách để khuyến khích nhằm thu hút đầu tư phát triển các loại hình nguồn điện sạch, phát triển hệ thống lưới điện thông minh, các thiết bị lưu trữ điện; từng bước phát triển, hoàn thiện thị trường điện trên cả 3 cấp độ: phát điện cạnh tranh; bán buôn điện cạnh tranh; và bán lẻ điện cạnh tranh.” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Hiện nay, Bộ Công Thương đã xây dựng và đang lấy ý kiến đối với 3 Nghị định của Chính phủ về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn; cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và LNG; và cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu.
Cơ chế DPPA qua đường dây riêng và qua lưới điện quốc gia
Cụ thể, liên quan đến cơ chế DPPA, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Trần Việt Hòa cho biết, cấu trúc Dự thảo 2 Nghị định quy định về cơ chế DPPA giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn dự kiến gồm 6 Chương, 34 Điều và 2 Phụ lục.
Để đảm bảo có thể triển khai Nghị định sau khi ban hành, tại Dự thảo 2 Nghị định này quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn qua đường dây riêng và qua lưới điện quốc gia.
Đối với hoạt động mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng, các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn tham gia cơ chế DPPA phải tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về: quy hoạch, đầu tư (bao gồm sự phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực); quy định về cấp giấy phép hoạt động điện lực (thuộc trách nhiệm của Chủ đầu tư công trình nguồn điện); quy định về an toàn điện, an toàn phòng chống cháy, nổ trong xây dựng, vận hành (phát điện, truyền tải điện, phân phối điện) và an toàn trong sử dụng điện; quy định về bán điện và hợp đồng và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Trần Việt Hòa Đối với hoạt động mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, để tránh phát sinh thủ tục hành chính và cơ chế xin cho, đảm bảo xây dựng quy định có độ mở, trên cơ sở rà soát yêu cầu về ràng buộc kỹ thuật theo quy định hiện hành khi đấu nối và vận hành trong hệ thống điện (các nhà máy điện có công suất 10 MW trở lên khi kết nối lưới phân phối cần trang bị hệ thống thông tin, hệ thống SCADA …) và nhu cầu sử dụng năng lượng sạch trong sản xuất của các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế (trên cơ sở kết quả khảo sát tháng 5/2022), trong giai đoạn đầu triển khai cơ chế, Dự thảo 2 Nghị định quy định việc mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia áp dụng cho Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo sở hữu nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió có công suất thiết kế từ 10MW trở lên trực tiếp tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh và Khách hàng sử dụng điện lớn đấu nối cấp điện áp từ 22kV trở lên và sản lượng tiêu thụ trung bình hàng tháng từ 500.000 kWh.
Về việc mở rộng đối tượng tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp, tại Dự thảo đề xuất “giao Bộ Công Thương chủ trì đánh giá, báo cáo Chính phủ xem xét mở rộng đối tượng tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ và tình hình phát triển thị trường điện cạnh tranh”.
Các Nguyên tắc về tính toán giá, chi phí dịch vụ và các chi phí thanh toán khác, phương pháp xác định và trách nhiệm tính toán đảm bảo công bằng, minh bạch đã được Ban soạn thảo, Tổ biên tập nghiên cứu, xây dựng tại Dự thảo 2 Nghị định này. Đồng thời, Dự thảo 2 Nghị định này đã tiếp thu ý kiến của các đơn vị bổ sung thành phần chi phí khác nhằm đảm bảo thu hồi chi phí từ các nhà máy gián tiếp tham gia thị trường điện.
Chuyển ngang giá khí sang giá điện
Liên quan đến cơ chế phát triển điện khí, theo Quy hoạch điện VIII, tổng quy mô công suất các dự án nhà máy điện khí được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đến năm 2030 là 30.524 MW (23 dự án), trong đó: tổng công suất nhà máy điện sử dụng khí trong nước là 7.900 MW (10 dự án), tổng công suất nhà máy điện sử dụng khí LNG là 22.624 MW (13 dự án).
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và LNG. Dự thảo Nghị định bao gồm 6 Điều, với 3 nhóm nội dung chính:
Về cam kết tỷ lệ điện năng qua hợp đồng dài hạn đối với các dự án nhà máy điện khí sử dụng LNG nhập khẩu (Điều 3), đối với các dự án điện triển khai theo hình thức BOT, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) đã cho phép dự án BOT áp dụng cơ chế bao tiêu (Điểm a khoản 1 Điều 45 Luật PPP), các dự án triển khai thu xếp vốn và ký hợp đồng mua bán điện với EVN.
Đối với các dự án điện IPP không theo hình thức BOT, sau khi xây dựng xong sẽ tham gia thị trường điện.
Bộ Công Thương đã hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và LNG Dự thảo Nghị định quy định: (1) Tỷ lệ điện năng qua hợp đồng dài hạn do đơn vị phát điện và đơn vị mua điện thỏa thuận; (ii) Trường hợp hai bên không thỏa thuận được, EVN tính toán, quy định tỷ lệ điện năng qua hợp đồng mua bán điện dài hạn nhằm đảm bảo khả thi trong việc thu hút đầu tư, tránh tác động mạnh lên giá bán lẻ điện, cân đối tài chính; (iii) Để đảm bảo an ninh năng lượng, triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII, nhằm thu hút nhà đầu tư các dự án điện khí, Thủ tướng quy định mức tỷ lệ điện năng tối thiểu qua hợp đồng dài hạn trong thời gian trả nợ của dự án nhà máy điện nhưng không quá 07 năm, đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng với các loại hình nguồn điện khác trên thị trường điện. Đơn vị phát điện và đơn vị mua điện đàm phán mức tỷ lệ điện năng qua hợp đồng mua bán điện với mức tối thiểu được Thủ tướng Chính phủ quy định nêu trên.
Về cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện (Điều 4), Dự thảo Nghị định quy định:
(i) Đối với những dự án trọng điểm về dầu khí góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền Việt Nam, Chính phủ đồng ý nguyên tắc chuyển ngang giá khí sang giá điện của các nhà máy điện;
(ii) Bộ Công Thương hướng dẫn cơ chế tiêu thụ sản lượng khí thượng nguồn mỏ khí Cá Voi Xanh, khí Lô B.
Về các vấn đề khác của hợp đồng mua bán điện (Điều 5), đối với việc tham gia thị trường điện, đơn vị phát điện ký hợp đồng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo mẫu do Bộ Công Thương ban hành để tham gia Thị trường bán buôn điện cạnh tranh và bán điện năng của nhà máy điện lên thị trường điện giao ngay. Chi phí mua điện của các nhà máy điện sử dụng khí tự nhiên khai thác trong nước, LNG nhập khẩu là các chi phí hợp lý, hợp lệ và được tính toán điều chỉnh trong giá bán lẻ điện.
Ngôn ngữ hợp đồng sử dụng là tiếng Việt. Đơn vị phát điện và Đơn vị mua điện có thể thỏa thuận bổ sung hợp đồng với ngôn ngữ sử dụng bằng tiếng Anh, các bên có thể thỏa thuận tiếng Anh sẽ được ưu tiên áp dụng. Dự thảo Nghị định quy định hai bên được phép thỏa thuận luật điều chỉnh của Hợp đồng mua bán điện là Luật nước ngoài.
6 chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu
Liên quan đến cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo Tô Xuân Bảo cho biết, Dự thảo Nghị định của Chính phủ gồm 03 Chương, 12 Điều, 02 Mẫu kèm theo.
Dự thảo Nghị định quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt trên mái các công trình xây dựng nhằm mục đích tự sản, tự tiêu, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác. Các trường hợp phát triển điện mặt trời mái nhà không thuộc phạm vi của Nghị định này (chi tiết trong dự thảo Nghị định).
Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phát triển điện mặt trời tại Việt Nam theo hình thức tự sản, tự tiêu và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Tại Điều 3 dự thảo Nghị định giải thích về các từ ngữ, bao gồm: Điện mặt trời; điện mặt trời mái nhà; điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (tự sử dụng) có đấu nối với hệ thống điện quốc gia; điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu (tự sử dụng) không đấu nối với hệ thống điện quốc gia; Mái nhà của công trình xây dựng.
Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo Tô Xuân Bảo Tại Điều 4 dự thảo Nghị định quy định đến 6 nguyên tắc cơ bản, bao gồm:
- Phát triển điện mặt trời mái nhà phải phù hợp với kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh.
- Tổng công suất điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia tại mỗi địa phương không vượt quá công suất được phân bổ trong kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
- Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không đấu nối với hệ thống điện quốc gia loại hình này ưu tiên phát triển không giới hạn công suất.
- Phát triển điện mặt trời mái nhà phải tuân thủ quy định pháp luật về an toàn điện, đầu tư, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân chủ động phát triển nguồn năng lượng sạch, thân thiện môi trường để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên quốc gia.
Tại Điều 5 dự thảo Nghị định quy định đến hai đối tượng phát triển gồm điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia và điện mặt trời mái nhà không đấu nối với hệ thống điện quốc gia. Trong đó, quy định về việc đăng ký thực hiện, đăng ký công suất phát triển, quyền phát hoặc không phát sản lượng điện dư; công suất đặt với 500 kWp trở lên phải có hệ thống điều khiển từ xa và kết nối với đơn vị điều độ khu vực; không gây quá tải lưới điện khu vực đối với điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia; và đối với điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không đấu nối với hệ thống điện quốc gia được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất và phải đăng ký theo quy định tại Nghị định này.
Tại Điều 6 dự thảo Nghị định đề cập đến 6 nội dung chính sách khuyến khích (chi tiết tại dự thảo Nghị định).
Dự thảo Nghị định quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt trên mái các công trình xây dựng nhằm mục đích tự sản, tự tiêu, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác Tại Điều 7 dự thảo Nghị định quy định Sở Công Thương là cơ quan tiếp nhận Hồ sơ đăng ký, chuyển Hồ sơ đến đơn vị điện lực, các sở ngành có liên quan xem xét, giải quyết và trả kết quả; quy định về Hồ sơ đăng ký (chi tiết tại dự thảo Nghị định).
Tại Điều 8 dự thảo Nghị định quy định cụ thể trách nhiệm các Bộ: Công Thương, Xây dựng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính.
Tại Điều 9 dự thảo Nghị định quy định cụ thể trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Tại Điều 10 dự thảo Nghị định quy định cụ thể trách nhiệm của:
- Các đơn vị điện lực.
- Tổ chức, cá nhân.
Tại Điều 11 quy định điều khoản chuyển tiếp đối với dự án, hệ thống điện mặt trời mái nhà đã vận hành trước ngày 01 tháng 01 năm 2021 và đang thực hiện mua bán điện với đơn vị điện lực, nghiêm cấm hành vi đấu nối với điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để trục lợi.
Tại Điều 12 dự thảo Nghị định quy định về hiệu lực thi hành, trong đó quy định về ngày có hiệu lực thi hành của Nghị định, bãi bỏ các quy định của pháp luật về phát triển điện mặt trời mái nhà tại các văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực.
Đồng thời, quy định trách nhiệm thi hành Nghị định này gồm các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu.