Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Chủ nhật, 28/04/2024 | 06:58 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Hợp Tác Quốc Tế

Thủ tướng gặp đối tác Nhật, gỡ vướng dự án khí Ô Môn và lọc hóa dầu Nghi Sơn

17/12/2023
Thủ tướng đề nghị các tập đoàn lớn của Nhật Bản phối hợp cùng các cơ quan, bộ, ngành Việt Nam để tiếp tục gỡ vướng cho 2 dự án tỉ USD là chuỗi dự án khí Lô B - Ô Môn và Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Cuối chiều 16/12, tại Tokyo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo 3 tập đoàn lớn của Nhật Bản gồm Mitsui/MOECO, Idemitsu và IHW.
Tại đây, Thủ tướng đã đề nghị hai bên cùng thúc đẩy giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan hai dự án tỉ USD là chuỗi dự án khí Lô B - Ô Môn và Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, đồng thời thúc đẩy đầu tư các dự án mới.
Khai thác khí Lô B - Ô Môn chậm nhất trong năm 2026
Công ty thăm dò dầu khí Mitsui (MOECO) là thành viên liên doanh các nhà đầu tư Dự án Khí Lô B – Ô Môn (với quy mô đầu tư gần 12 tỷ USD). Khí tự nhiên từ Lô B sẽ cung cấp cho 4 nhà máy điện gồm Ô Môn 1, 2, 3, 4 trên 20 năm.
Khi đi vào vận hành, các nhà máy điện Ô Môn này sẽ cung cấp điện với tổng công suất khoảng 3.800 MW, đóng góp quan trọng vào an ninh năng lượng quốc gia.

Thủ tướng gặp ông Hidenori Harada, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành MOECO. Ảnh: Nhật Bắc
Tại cuộc gặp với Thủ tướng, ông Hidenori Harada, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành MOECO cảm ơn sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng với dự án khí Lô B.
Kể từ sau lễ ký kết và triển khai dự án vào cuối tháng 10/2023 đã có 12/13 vấn đề vướng mắc đã được các bên thỏa thuận xử lý theo nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ và đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy dự án, trong đó có việc sớm sửa đổi các quy định tại 3 thông tư của Bộ Công Thương.
Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của MOECO và các đối tác liên doanh trong việc triển khai thực hiện Dự án Khí Lô B - Ô Môn. Đây là dự án trọng điểm, có quy mô đầu tư lớn, có ý nghĩa quan trọng với Việt Nam, được Chính phủ, Thủ tướng đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sâu sát và đã cơ bản tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc kéo dài hàng chục năm.
Thủ tướng cho biết sẽ chỉ đạo Bộ Công Thương sửa đổi ngay các quy định liên quan còn vướng mắc và hoan nghênh các đề xuất của MOECO nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai Dự án Khí Lô B - Ô Môn.
Thủ tướng đề nghị MOECO tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các bộ, ngành để hoàn thiện các thủ tục liên quan, sớm triển khai dự án, đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả, đạt được mục tiêu cuối cùng của tất cả các bên, phải có dòng khí đầu tiên chậm nhất vào năm 2026.
Thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ đề nghị tập đoàn tăng cường, mở rộng các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Đặc biệt là trong những lĩnh vực có thế mạnh như sản xuất thiết bị. Trong đó, quan tâm đến việc hợp tác, hỗ trợ, chuyển giao công nghệ với các đối tác Việt Nam, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của khu vực và thế giới.
Lọc hóa dầu Nghi Sơn cần cắt lỗ càng sớm càng tốt
Trong cuộc gặp Thủ tướng, ông Susumu Nibuya - Phó Chủ tịch Thường trực, Giám đốc điều hành tập đoàn Idemitsu cập nhật tình hình hoạt động tại Việt Nam, nhất là xử lý những vấn đề liên quan Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Tập đoàn Idemitsu đã tham gia đầu tư phát triển dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (tổng số vốn giải ngân cho dự án là 8,78 tỷ USD) cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Tháng 11 vừa qua, Thủ tướng đã đi khảo sát, làm việc tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, yêu cầu các đối tác Việt Nam và Nhật Bản cần tiến hành tái cấu trúc tổng thể dự án bởi vẫn lỗ lũy kế lớn, lợi nhuận trước thuế của những năm vừa qua (nhất là năm 2023) có cải thiện nhưng chưa tạo được chuyển biến đáng kể.
Thủ tướng gặp ông Susumu Nibuya, Phó Chủ tịch Thường trực, Giám đốc điều hành Tập đoàn Idemitsu. Ảnh: Nhật Bắc
Thủ tướng hoan nghênh, đánh giá cao hoạt động đầu tư hiệu quả của tập đoàn nói chung và tại Việt Nam nói riêng trong thời gian qua, đặc biệt là đã tham gia đầu tư nhiều dự án trọng điểm, có quy mô đầu tư lớn như Lọc hóa dầu Nghi Sơn (cung cấp khoảng 40% nhu cầu xăng dầu của Việt Nam, là biểu tượng của hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với các đối tác Nhật Bản).
Đánh giá cao những nỗ lực của các đối tác liên doanh và những chuyển biến của dự án nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn trong thời gian qua, Thủ tướng đề nghị tập đoàn và các đối tác tiếp tục tái cấu trúc dự án, nâng cao hiệu quả quản trị, xây dựng quy trình vận hành hiệu quả, ứng dụng công nghệ hiện đại, từ đó giảm chi phí đầu vào, cắt lỗ càng sớm càng tốt cho dự án.
Ông Susumu Nibuya khẳng định các bên liên quan sẽ nghiêm túc hơn nữa trong triển khai tái cấu trúc dự án này.
Với Tập đoàn y tế hàng đầu Nhật Bản IHW (International Health and Welfare), Thủ tướng đánh giá cao tình cảm và nỗ lực của Chủ tịch tập đoàn Takagi Kuninori trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực y tế và đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế trong những năm qua, nhất là các dự án hợp tác với Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện 108 và các chương trình trao tặng học bổng y tế cho sinh viên…
Thủ tướng hoan nghênh Tập đoàn IHW có kế hoạch triển khai dự án xây dựng cơ sở khám chữa bệnh tiêu chuẩn Nhật Bản, chất lượng cao tại Việt Nam.
Nhận định đây là hướng đi đúng, Thủ tướng cho biết, Việt Nam ủng hộ về chủ trương và sẵn sàng tạo điều kiện cho dự án được triển khai thuận lợi, nhất là việc tìm địa điểm phù hợp, không nhất thiết phải ở trung tâm các thành phố lớn.
Thủ tướng đề nghị IHW tiếp tục quan tâm đẩy mạnh hợp tác đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao cho Việt Nam và tăng học bổng cho sinh viên Việt Nam tại Đại học Y tế và Phúc lợi quốc tế thuộc IHW; tham gia, triển khai các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao về y học tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam.
Cũng trong chiều nay, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, tại Phủ Thủ tướng Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận và Ngài Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đã trao đổi Công hàm cho khoản vay STEP lần 4 của Chính phủ Nhật Bản tài trợ cho dự án “Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành – Suối Tiên”.
Đây là khoản vay tiếp nối lần thứ 4 trị giá 41.223,7 triệu Yên (sau 3 khoản vay cho dự án vào các năm 2007, 2012 và 2016) được Chính phủ Nhật Bản cam kết tài trợ.
Tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành – Suối Tiên là một trong tám tuyến Metro được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch nhằm hình thành hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn cho đô thị lớn nhất trong cả nước. Dự án có 4 gói thầu chính sử dụng vốn vay ODA từ Chính phủ Nhật Bản gồm 3 gói thầu xây dựng và 1 gói thầu cơ điện.
Dự án dài gần 20km từ Bến Thành, quận 1 đến Depot Long Bình, Thành phố Thủ Đức. Đây là là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở TP.HCM, khởi công năm 2012 và dự kiến sẽ đưa vào vận hành khai thác trong năm 2024.
Theo Vietnamnet  

Cùng chuyên mục

Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải làm việc với lãnh đạo MR

26/04/2024

Ngày 25/4, tại Hà Nội, Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải đã tiếp và làm việc với ông Wilfried Breuer - Tổng giám đốc Điều hành hãng MR (CHLB Đức) về các nội dung hợp tác giữa hai bên.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151