Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ năm, 02/05/2024 | 05:42 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Hợp Tác Quốc Tế

Hợp tác năng lượng Việt Nam – Lào: Nhiều kết quả tích cực

08/01/2024
Những năm qua Việt Nam và Lào đã đạt được nhiều thành tựu trong hợp tác phát triển lĩnh vực năng lượng theo nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi.
Có thể khẳng định, thời gian qua, Việt Nam và Lào triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, qua đó góp phần khắc sâu thêm tình đoàn kết truyền thống đặc biệt keo sơn giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân 2 nước.
Còn nhiều dư địa phát triển trong lĩnh vực điện
Xuất phát từ nhu cầu hợp tác của hai bên, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển các dự án thủy điện, liên kết lưới điện và nhập khẩu điện từ Lào vào năm 2016 và Hiệp định Hợp tác phát triển các công trình năng lượng, điện và mỏ năm 2019.
Đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực điện giữa Việt Nam - Lào được đẩy mạnh; hai Bên đã tăng cường ký kết hợp tác triển khai nhiều dự án đầu tư và các hoạt động hợp tác năng lượng, như: Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về hợp tác phát triển các dự án thủy điện liên kết lưới điện và nhập khẩu điện từ Lào; đẩy mạnh hợp tác mua bán điện; hỗ trợ phát triển các dự án thủy điện tại Lào... Các hoạt động này đã thu được nhiều kết quả, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai Bên; đồng thời, góp phần làm sâu sắc thêm tình đoàn kết đặc biệt giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân hai nước, cũng như giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào.
Theo Biên bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào đã được ký kết ngày 5/10/2016, tổng công suất nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam tối thiểu đến năm 2025 là 3.000MW và đến năm 2030 là 5.000MW.

Toàn cảnh kỳ họp thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào (Ảnh: VGP)
Báo cáo của kỳ họp thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào do Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đồng chủ trì ngày 7/1/2024 cho thấy, sự hợp tác mua bán điện tiếp tục được đẩy mạnh, với việc Việt Nam nhập khẩu điện từ Lào cơ bản đạt mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, những khó khăn, vướng mắc, tồn tại nhiều năm tại một số dự án trọng điểm được kịp thời tháo gỡ dứt điểm. Đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ký 19 hợp đồng để mua điện từ 26 nhà máy thủy điện Lào với tổng công suất 2.689 MW.
Bên cạnh việc mua điện từ các nhà máy điện tại Lào, EVN cũng đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện trung, hạ áp để cấp điện, bán điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các địa phương dọc biên giới Việt Nam - Lào của nước CHDCND Lào. Việc cung cấp điện luôn được EVN cung cấp an toàn, ổn định, đảm bảo chất lượng điện năng.
Đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực thương mại than
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hai nước về việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, nhất là trong lĩnh vực than và triển khai kết quả Kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban Hợp tác song phương Việt Nam - Lào, thời gian qua, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào đã phối hợp chặt chẽ với nhau, xây dựng và hoàn thiện Bản ghi nhớ về Hợp tác trong lĩnh vực than. Bản ghi nhớ được ký nhằm thiết lập khuôn khổ pháp lý để điều kiện và tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực than trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi.
Cụ thể, ngày 20/7/2023, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào đã ký Bản ghi nhớ có nhiều nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thương mại than, đặc biệt là mục tiêu xuất khẩu 20 triệu tấn than từ Lào sang Việt Nam mỗi năm tùy theo điều kiện thực tế của thị trường và nhu cầu mỗi Bên; thúc đẩy hợp tác đầu tư trong hoạt động khai thác, chế biến, xuất khẩu than; tăng cường chia sẻ kinh nghiệm nâng cao năng lực trong lĩnh vực khai thác chế biến than. Bản ghi nhớ cũng sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại than giữa các doanh nghiệp hai nước. Bản ghi nhớ có thời hạn hiệu lực trong 5 năm.
Đây là văn kiện quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn cho cả hai nước. Việc ký kết Bản ghi nhớ không chỉ khẳng định quyết tâm của Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào trong việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Cấp cao, góp phần hoàn thiện khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và Lào, củng cố tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân hai nước, mà còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam theo cam kết với quốc tế; đồng thời, tạo điều kiện cho Lào khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của mình để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Tiếp theo đó, ngày 9/12/2023, tại Hội nghị thúc đẩy hợp tác mua bán than giữa Việt Nam và Lào nhằm cụ thể hóa nội dung trong thỏa thuận cấp cao giữa Chính phủ Việt Nam - Lào, Bộ Công thương (Việt Nam) và Bộ Năng lượng và mỏ (Lào) tại bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng. Theo đó, Việt Nam nhập khẩu điện, than từ Lào không chỉ giúp phát triển kinh tế giữa hai nước mà còn thực hiện mục tiêu kép về an ninh quốc phòng và cung ứng năng lượng cho nền kinh tế.
Tại hội nghị này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã giao EVN đề xuất triển khai đường dây truyền tải mới từ Lào về Việt Nam để kêu gọi đầu tư nhằm nâng công suất nhập khẩu điện từ Lào. Đồng thời, khẩn trương trình Chính phủ về xây dựng cơ chế giá điện nhập khẩu từ Lào và hoàn thành trong quý 1/2024.
Ngoài ra, để thực hiện chủ trương nhập khẩu than từ Lào theo thỏa thuận cấp cao, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã giao Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc đề xuất cơ chế nhập (giá mua và bán) than từ Lào về Việt Nam; triển khai các giải pháp nâng cao năng lực tiếp nhận than về Việt Nam; ký hợp đồng nguyên tắc với đối tác Lào cụ thể về sản lượng và sẽ thực hiện ngay sau khi hiệp định được thông qua.
Tháng 4/2022, trong khuôn khổ chuyến công tác Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào để đồng chủ trì Hội nghị Hợp tác phát triển thương mại biên giới với Bộ Công Thương Lào, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định Việt Nam và Lào còn nhiều dư địa để phát triển quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi trong lĩnh vực điện. Với quy mô dân số lớn, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, nhu cầu sử dụng điện cao, đặc biệt, với cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đang nỗ lực để bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch và bền vững.
Thu Hường

Cùng chuyên mục

FPT hợp tác với USAID thúc đẩy triển khai năng lượng sạch

29/04/2024

Tập đoàn FPT vừa ký kết các thỏa thuận hợp tác với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II), nhằm mục tiêu hỗ trợ FPT thiết lập kế hoạch đạt Net Zero vào năm 2040.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151