Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ sáu, 10/05/2024 | 21:27 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Phát triển năng lượng

Bài cuối: Triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

16/01/2024
Tuy đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, song chuyển đổi, phát triển năng lượng bền vững là xu thế tất yếu có tính chất toàn cầu mà không quốc gia nào có thể đứng ngoài hay tự mình thực hiện được. Qua giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết xác định hệ thống giải pháp đồng bộ cả trước mắt và lâu dài. Do đó, để phát triển năng lượng bền vững, cần tổ chức triển khai nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả hệ thống các giải pháp này.
Các giải pháp cần làm ngay
Qua giám sát, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021" đã "khắc họa" được một bức tranh toàn cảnh về lĩnh vực này. Từ kết quả giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề xác định hệ thống giải pháp đồng bộ cho cả trước mắt và lâu dài, các giải pháp cần làm ngay trong giai đoạn 2024 - 2025 để biến thách thức thành cơ hội, thực hiện thành công các mục tiêu mà Bộ Chính trị đã đề ra tại Nghị quyết số 55 – NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hội thảo Chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam - Một số vấn đề đặt ra và giải pháp do Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức
Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, trong năm 2024, phải đánh giá, rà soát, cập nhật tình hình triển khai Quy hoạch điện VIII để điều chỉnh kịp thời đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội với chi phí hợp lý, phù hợp với khả năng bố trí nguồn lực, năng lực, trình độ công nghệ; rà soát để bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia. Trình Quốc hội thông qua Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển hợp lý điện khí, năng lượng tái tạo, sản xuất nhiên liệu hydro… Khẩn trương xây dựng chính sách hỗ trợ, đột phá để phát triển điện gió ngoài khơi, đồng thời kết hợp với triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong số các nhiệm vụ phải hoàn thành trước năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách phát triển, vận hành thị trường năng lượng cạnh tranh phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp theo lộ trình phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh.
Đối với giá điện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu hoàn thiện cơ chế giá phát điện nhằm khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh nguồn điện năng lượng tái tạo, trong đó có điện rác và điện sinh khối; xử lý dứt điểm vướng mắc các dự án điện gió, điện mặt trời giai đoạn trước.
Khẩn trương xây dựng, thực hiện cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà máy điện năng lượng tái tạo và khách hàng tiêu thụ điện lớn; cơ chế đấu giá, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư công trình điện bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa các bên; điều chỉnh kịp thời giá bán lẻ điện theo biến động thực tế của thông số đầu vào như giá nguyên nhiên liệu, tỷ giá, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, đồng thời bù đắp được chi phí và lợi nhuận hợp lý để bảo toàn vốn kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là thúc đẩy cạnh tranh trong khâu nguồn điện; rút ngắn thời gian giữa các lần điều chỉnh giá điện. Sớm luật hóa việc điều hành giá bán lẻ điện theo tinh thần “xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định”.
Cùng với đó là hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo, trọng tâm là các cơ chế về: điện gió ngoài khơi trên cơ sở đánh giá tác động và bảo đảm quốc phòng, an ninh; điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, điện mặt trời mái nhà tại các tòa nhà công sở, nhà dân, công trình công cộng, khu công nghiệp; hệ thống lưu trữ năng lượng, pin nhiên liệu trong phương tiện giao thông vận tải.
Nghiên cứu, rà soát, ban hành cơ chế, chính sách về: chuyển đổi cơ cấu ngành, lĩnh vực sản xuất theo hướng tiêu thụ ít năng lượng; khuyến khích, hỗ trợ đi đôi với thực thi chế tài cụ thể trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường, nâng cao khả năng hội nhập quốc tế và sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật và tăng cường năng lực, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm thực hiện lộ trình chuyển đổi năng lượng theo hướng bền vững, vừa đáp ứng đồng thời yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh tài chính, an sinh xã hội và phấn đấu thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam với sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế.
Hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng
Trong dài hạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ các nhiệm vụ: hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, quốc phòng, an ninh và hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường. Trọng tâm là rà soát, trình Quốc hội sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Lâm nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Quản lý nợ công, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; nghiên cứu, xây dựng các dự án luật về năng lượng tái tạo, về biến đổi khí hậu.
Nghị quyết cũng yêu cầu hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực năng lượng phù hợp với các quy định, tiêu chuẩn quốc tế và yêu cầu thực tiễn, đồng bộ giữa chính sách phát triển năng lượng với các chính sách có liên quan. Tiếp tục rà soát các quy hoạch năng lượng và quy hoạch liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và khả thi, tăng dần tỷ lệ các nguồn cung năng lượng tái tạo. Xây dựng lộ trình chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy điện than và khí trên cơ sở hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Nâng cao chất lượng trong xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển năng lượng đảm bảo tính ổn định, đồng bộ và linh hoạt, gắn với các quy hoạch kinh tế - xã hội của địa phương và các ngành có liên quan.
Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế tài chính và huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa, khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia phát triển năng lượng; đặc biệt cho đầu tư phát triển nguồn và lưới điện. Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng, theo hướng tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi, có thế mạnh. Hoàn thiện cơ chế, chính sách xử lý, cơ cấu lại triệt để các dự án, doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ trong lĩnh vực năng lượng.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng định hướng xã hội chủ nghĩa đồng bộ, hiện đại và hiệu quả; bảo đảm liên thông giữa các phân ngành năng lượng và kết nối với thị trường khu vực, thế giới. Phát triển các nguồn cung và hệ thống truyền tải, phân phối năng lượng theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hóa, với cơ cấu hợp lý, đảm bảo tính hiệu quả, tin cậy, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và bền vững...
Ngay trong quá trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương cũng đã triển khai thực hiện một số giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế trong phát triển năng lượng. Hiện Chính phủ cũng đang xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) nhằm tạo cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới, thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh, đáp ứng đòi hỏi của thực tế.
Để giải bài toán về phát triển năng lượng trong tình hình mới, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cần triển khai nghiêm túc, quyết liệt và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cả trước mắt và lâu dài đã được nêu rõ tại Nghị quyết giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021".
Ngay tại Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã yêu cầu định kỳ hằng năm, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội, UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND cùng cấp về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng. Các cơ quan của Quốc hội, đặc biệt là Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cần tiếp tục giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết và chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, qua đó kịp thời đôn đốc hoàn thành các nhiệm vụ theo đúng "kỳ hạn", đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước.
Theo Đại biểu Quốc hội 

Cùng chuyên mục

Công trình xanh và mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

10/05/2024

Các công trình xây dựng chiếm tỷ lệ khoảng 35-40% tổng năng lượng tiêu dùng cả nước. Tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà, công trình sẽ giúp giảm chi phí vận hành và lượng phát thải CO2 ra môi trường.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151