Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ năm, 16/05/2024 | 07:48 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Hoạt động ERAV

Hội thảo thuận lợi và khó khăn trong vận hành lưới điện khi tích hợp quy mô lớn các hệ thống điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam

04/12/2020
Các thành viên tham gia đã đưa ra một số giải pháp có thể xem xét để vượt qua các thách thức và thúc đẩy việc phát triển ĐMT nói chung và ĐMTMN nói riêng tại Việt Nam trong thời gian tới.
Ngày 02 tháng 12 năm 2020, hội thảo về “Thuận lợi và khó khăn trong vận hành lưới điện khi tích hợp điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam”, thuộc khuôn khổ Dự án hỗ trợ kỹ thuật do Chính phủ Cộng hòa liên bang Đức tài trợ đã được Cục Điều tiết điện lực (ĐTĐL) - Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức tại Thành phố Đà Nẵng.
Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Trần Tuệ Quang phát biểu khai mạc Hội thảo
Để nâng cao tỷ lệ nguồn Năng lượng tái tạo (NLTT) trong Hệ thống điện Việt Nam khi các nguồn năng lượng sơ cấp trong nước đã được khai thác tối đa, trong những năm gần đây Đảng và Chính phủ đã chú trọng nghiên cứu và ban hành những chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển các nguồn NLTT nói chung và điện mặt trời (ĐMT) nói riêng. Nhờ đó, chỉ trong vài năm trở lại đây Hệ thống điện Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển bùng nổ của nguồn NLTT, đặc biệt là ĐMT. Tính đến hết tháng 11/2020, đã có khoảng 8900 MWAC ĐMT vận hành trong hệ thống điện quốc gia, trong đó bao gồm khoảng 2600MWAC điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN). Hiện nay, tỷ lệ ĐMTMN đang chiếm khoảng 4,2% tổng công suất đặt toàn hệ thống và dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ có khoảng gần 4000MWp ĐMTMN vận hành trong hệ thống điện quốc gia, đây là các con số không hề nhỏ đối với quy mô hệ thống điện Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Việc phát triển nhanh nguồn ĐMT nói chung và ĐMTMN nói riêng đã góp phần bổ sung một lượng điện năng đáng kể, kịp thời nhằm hỗ trợ hệ thống điện trong việc đáp ứng nhu cầu phụ tải. Tuy nhiên, việc này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ trong vận hành hệ thống điện quốc gia như vấn đề an toàn trong lắp đặt và vận hành nguồn ĐMTMN; hạ tầng lưới điện ở nhiều khu vực chưa đáp ứng được việc tiếp nhận lượng điện năng mà các nguồn ĐMTMN phát lên lưới cùng một lúc; thông tin về điều độ, vận hành thời gian thực của các nguồn ĐMTMN còn chưa được thu thập và quản lý đồng bộ, tổng thể; tính bất định của nguồn ĐMT đòi hỏi việc vận hành lưới điện cần có các công cụ tốt hơn, thông tin chính xác và một phương thức mới trong vận hành, điều độ hệ thống điện.
Trong khuôn khổ dự án hỗ trợ kỹ thuật do Chính phủ CHLB Đức tài trợ, việc nghiên cứu, phân tích những thách thức về mặt kỹ thuật cũng như thủ tục hành chính khi tích hợp ĐMTMN vào hệ thống điện Việt Nam đang được các chuyên gia Tư vấn của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) phối hợp thực hiện cùng các bên liên quan. Tại hội thảo ngày 02/12/2020, Các chuyên gia Tư vấn đã trình bày, giới thiệu về các kinh nghiệm quốc tế trong quá trình phát triển ĐMTMN, bao gồm: (1) Những thách thức về mặt kỹ thuật đối với các đơn vị phân phối điện; (2) Tích hợp hệ thống điện mặt trời mái nhà vào lưới điện; (3) Thách thức về mặt thủ tục hành chính đối với các đơn vị vận hành lưới điện phân phối.
Việc phát triển ĐMTMN ở Việt Nam hiện nay cũng đã, đang và sẽ gây ra một số khó khăn thách thức đối với các đơn vị vận hành lưới điện phân phối và thậm chí là các các cấp điều độ cao hơn như điều độ miền, điều độ quốc gia cụ thể như: (1) Về pháp lý, chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của các chủ đầu tư, khách hàng trong việc cung cấp, chia sẽ các số liệu về vận hành, dự báo công suất - sản lượng phát của nguồn ĐMTMN cho các đơn vị quản lý vận hành và điều độ lưới điện; (2) Về quy mô công suất và yêu cầu về tỷ lệ tự dùng và tỷ lệ phát lên lưới chưa có yêu cầu cụ thể trong bối cảnh rất nhiều hệ thống ĐMTMN có quy mô công suất từ 1MWp đến 1MWAC; (3) Chưa có công cụ dự báo công suất phát của nguồn ĐMT gây khó khăn trong công tác lập kế hoạch, vận hành thời gian thực và tính toán, huy động kịp thời các nguồn công suất dự phòng khác để bù đắp lại sự biến thiên liên tục quy mô lớn của các nguồn NLTT, đặc biệt là ĐMT; (4) Việc thay đổi trào lưu công suất liên tục trên các ngăn lộ trung áp có đấu nối nhiều nguồn ĐMTMN ảnh hưởng đến độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng điện năng; (5) Gây ra hiện tượng tách đảo trong các trường hợp sự cố hệ thống điện hoặc bảo vệ không chọn lọc; (6) Gây quá tải lưới điện trung/hạ áp và kể cả lưới điện cao áp đối với các khu vực có nhiều tiềm năng năng lượng mặt trời như Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk…
Đại diện các bên tham gia được chia nhóm thảo luận về nội dung Hội thảo
Kết thúc Hội thảo, các thành viên tham gia đã đưa ra một số giải pháp có thể xem xét để vượt qua các thách thức và thúc đẩy việc phát triển ĐMT nói chung và ĐMTMN nói riêng tại Việt Nam trong thời gian tới, cụ thể như: Cần rà soát, hoàn thiện và ban hành các cơ chế chính sách mang tính bền vững để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển ĐMTMN; Cần rà soát và sớm ban hành các tiêu chuẩn về ĐMT nói chung và ĐMTMN nói riêng để có cơ sở pháp lý thực hiện việc kiểm tra, giám sát chất lượng của hệ thống ĐMT tại Việt Nam; Rà soát, đánh giá quy định hiện hành về trách nhiệm cung cấp và chia sẽ các số liệu vận hành của ĐMT; Các đơn vị quản lý, vận hành và điều độ hệ thống điện cần phát triển các công cụ dự báo và quản lý vận hành nguồn ĐMT nói chung và ĐMTMN nói riêng một cách hiệu quả, phù hợp với tình hình mới (Ví dụ như việc thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp để các đơn vị quản lý, vận hành hệ thống điện cũng như khách hàng đầu tư ĐMTMN có thể theo dõi, khai thác và cập nhật đầy đủ thông tin đối với việc phát triển và vận hành ĐMTMN hiện nay).
Với sự phát triển bùng nổ của ĐMT và ĐMTMN tại Việt Nam trong thời gian qua cũng như dự kiến sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới thì việc nghiên cứu, rà soát và hoàn thiện các quy định kỹ thuật về quản lý, vận hành và điều độ hệ thống điện khi tích hợp ĐMTMN càng trở nên thiết thực và cấp bách. Ngoài ra, các đơn vị Điện lực cũng cần chủ động hơn trong việc áp dụng ứng dụng của công nghệ lưới điện thông minh và các công nghệ mới để kiểm soát nguồn ĐMTMN cũng như tiếp tục nâng cao tỷ lệ của nguồn năng lượng sạch này trong Hệ thống điện Việt Nam.
Cục Điều tiết điện lực

Cùng chuyên mục

Lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) khu vực các tỉnh miền Trung

15/05/2024

Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) khu vực các tỉnh miền Trung diễn ra vào chiều 15/5 và ngày 16/5/2024, với sự tham dự của đại diện các bộ, ngành có liên quan, đại diện các Sở Công Thương thuộc các tỉnh, thành miền Trung; đại diện chủ đầu tư dự án nguồn điện, đơn vị phát điện; đơn vị truyền tải, phân phối bán điện; đơn vị tư vấn; đại diện khách hàng sử dụng điện lớn.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151