Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ sáu, 03/05/2024 | 15:54 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Hoạt động ERAV

Họp báo thường kỳ và gặp mặt các cơ quan báo chí đầu Xuân Giáp Thìn 2024

19/01/2024
Chiều ngày 18/1/2024, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã chủ trì buổi Họp báo thường kỳ và gặp mặt các cơ quan báo chí đầu Xuân Giáp Thìn 2024.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì tại Họp báo
Những tín hiệu tích cực
Tại buổi họp báo, ông Bùi Huy Sơn – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Công Thương) đã báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại năm 2023, mục tiêu nhiệm vụ của Bộ Công Thương năm 2024.
Theo đó, mặc dù tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường chưa phục hồi, song với nền tảng vĩ mô ổn định, cùng với các biện pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai quyết liệt nên sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 12 tiếp tục có những tín hiệu tích cực dù chưa tăng trưởng đột biến. So với cùng kỳ năm trước, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng trở lại, xuất khẩu tuy chưa tăng nhưng mức suy giảm tiếp tục được thu hẹp.
Tính chung cả năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 1,5% so với cùng kỳ song đây là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm; giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2023 ước tăng 3,02% so với năm trước; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của một số ngành trọng điểm cấp II tăng cao.
Cùng đó chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 so với năm trước tăng ở 50 địa phương và giảm ở 13 địa phương trên cả nước; trong đó, một số địa phương có chỉ số IIP tăng cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao như: Quảng Ninh tăng 30,3% Bắc Giang tăng 20,8%, Phú Thọ tăng 18,5%.
Ông Bùi Huy Sơn trình bày báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại năm 2023, mục tiêu nhiệm vụ của Bộ Công Thương năm 2024
Bức tranh sản xuất công nghiệp cũng ghi nhận một số tín hiệu tích cực như chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp, chế biến chế tạo tháng 12 tăng 5,1% so với cùng kỳ, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao so với năm trước. Tuy nhiên tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến chế tạo bình quân năm 2023 cao hơn so với năm 2022 cho thấy những khó khăn trong sản xuất công nghiệp.
Về xuất nhập khẩu hàng hoá, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá cả năm 2023 đạt 681 tỷ USD giảm 6,9% so với năm trước trong đó xuất khẩu sơ bộ đạt 354,67 tỷ USD giảm 4,6%, nhập khẩu giảm 9,2%. Cán cân thương mại hàng hoá năm 2023 ước tính xuất siêu 28,3 tỷ USD.
Trong năm 2023 có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD chiếm 93,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Đặc biệt, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã vượt điện thoại các loại và linh kiện trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước, chiếm gần 16% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Về hoạt động phát triển thị trường trong nước tính chung cả năm tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng tăng 9,6% so với năm trước. Nhìn chung thị trường trong nước tương đổi ổn định, nguồn cung hàng hoá luôn dồi dào. Tuy nhiên khác với mọi năm, trong những tháng cuối năm tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có xu hướng giảm đáng kể so với đầu năm.
8 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024
Về mục tiêu của ngành Công Thương năm 2024, Vụ trưởng Bùi Huy Sơn nhấn mạnh đến một số mục tiêu cụ thể như: Chỉ số IIP tăng khoảng 7 - 8%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%, cán cân thương mại duy trì xuất siêu khoảng 15 tỷ USD, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 9%, điện thương phẩm đạt khoảng 280,1 tỷ USD.
Để thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2024 được Quốc hội và Chính phủ giao, Bộ Công Thương sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ;
Hai là, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế. Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản và tổ chức thực hiện; Tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng. Hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao tại Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành Công Thương năm 2024, các dự án sửa đổi, bổ sung các luật (Luật phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, Luật Hóa chất sửa đổi) và và các chiến lược, kế hoạch phát triển ngành.
Ba là, khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả ngay từ ngày đầu tháng đầu năm 2024 các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01 của Chính phủ, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công các Chương trình, nhiệm vụ đã đề ra.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm, khơi thông rào cản về thủ tục hành chính để triển khai các dự án sản xuất, khai khoáng mới, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu CNH, HĐH đất nước. Tiếp tục tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện phục vụ cho sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Năm là, tích cực tham mưu tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích, ràng buộc các doanh nghiệp FDI có sự lan tỏa, chia sẻ, hỗ trợ thực chất các doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển kỹ năng quản trị, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt để từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Sáu là, tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các Hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng. Tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại;
Bảy là, phát triển mạnh thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường trong nước. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để khai thác hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế; tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, cạnh tranh không bình đẳng, phòng vệ thương mại... bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp.
Tám là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, tạo chuyển biến mạnh trong toàn hệ thống.
Tiếp tục nhận sự quan tâm, phối hợp của cơ quan báo chí   
Cũng tại buổi họp báo, nhân dịp chuẩn bị đón Xuân Giáp Thìn 2024, đại diện một số cơ quan báo chí như Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Người lao động, Truyền hình Quốc hội... đã phát biểu chúc mừng những thành tích đạt được của ngành Công Thương trong năm 2023. Tuy nhiên, nhằm tạo sự tương tác thường xuyên hơn với báo chí, một số cơ quan báo chí cũng bày tỏ mong muốn được cung cấp nhiều hơn các thông tin chính thống từ Văn phòng Bộ hoặc thông qua các hội thảo, hội nghị...
Nhà báo Phạm Nguyên Long (Đài Tiếng nói Việt Nam) phát biểu
Tại buổi họp báo, đại diện một số vụ chức năng của Bộ Công Thương đã bày tỏ mong muốn báo chí tiếp tục có những hiểu đúng, hiểu rõ hơn nữa công việc, hoạt động của ngành Công Thương để thông tin của ngành được lan toả và được công luận đồng thuận, chia sẻ.
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân - người phát ngôn của Bộ Công Thương - mong muốn sự hợp tác, gắn bó giữa Bộ Công Thương và báo chí cả nước ngày càng phát triển.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu
Thứ trưởng đề nghị các cơ quan báo chí thông qua hoạt động của mình giúp tạo sự thấu hiểu, đồng cảm, minh bạch về công tác của ngành. Dưới góc độ phản biện xã hội, Bộ Công Thương luôn lắng nghe các ý kiến phản hồi của báo chí, đồng thời mong báo chí tiếp tục quan tâm phối hợp, ủng hộ và đồng hành với Bộ để truyền thông kịp thời, đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ của ngành. Lãnh đạo Bộ Công Thương sẽ đề nghị các đơn vị chủ động hơn nữa, hợp tác hơn nữa với các nhà báo, phóng viên trong thời gian tới.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân mong rằng, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, phối hợp nhiều hơn nữa của các cơ quan thông tấn báo chí, đội ngũ nhà báo, phóng viên, tạo điều kiện cho ngành Công Thương tiếp tục phát triển nhanh và bền vững hơn trong những năm tới.
Theo Bộ Công Thương

Cùng chuyên mục

Tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)

03/05/2024

Ngày 03 – 04/5/2024, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) khu vực các tỉnh phía Bắc. Hội nghị có sự tham gia của các đại biểu đại diện cho các cơ quan Đảng, Quốc hội, bộ ngành có liên quan, các tổ chức chính trị xã hội, đại diện các Sở Công Thương các tỉnh phía Bắc, đại diện một số hiệp hội, đại diện doanh nghiệp là chủ đầu tư và các đơn vị điện lực, đại diện khách hàng sử dụng điện có quy mô lớn …

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151