Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ hai, 29/04/2024 | 09:49 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Hoạt động ERAV

Đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành trong cung cấp điện năm 2024

06/02/2024
Với việc ban hành Kế hoạch cả năm, mùa nắng nóng 2024 cùng với các kế hoạch cung cấp khí, than đã cho thấy công tác chỉ đạo, điều hành cấp điện đã có đổi mới.
Làm tốt công tác chuẩn bị
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến cuối năm 2023, quy mô hệ thống điện Việt Nam đạt khoảng 80.555MW về tổng công suất nguồn, tăng thêm khoảng 2.800MW so với năm 2022.
Tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 280,6 tỷ kWh, tăng 4,56% so với năm trước; điện thương phẩm ước đạt 251,25 tỷ kWh, tăng 3,52%.
Việc cấp điện cho nền kinh tế - xã hội cơ bản được đảm bảo và dù Lãnh đạo Bộ Công Thương đã liên tục chỉ đạo song vào giữa thời kỳ cao điểm mùa nắng nóng ở miền Bắc đã xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ, phải điều chỉnh phụ tải một số nơi. Sở dĩ có điều này xảy ra là do cả nguyên nhân khách quan, chủ quan như phụ tải tăng cao, thời tiết khô hạn, tình hình thuỷ văn không thuận lợi, nhiều tổ máy nhiệt điện than huy động cao đã gặp sự cố, năng lực truyền tải 500kV từ miền Trung ra miền Bắc còn hạn chế; công tác dự báo, điều hành, huy động nguồn điện của ngành điện còn hạn chế. Rất may, chỉ sau 20 ngày thiếu điện ở miền Bắc, công tác cấp điện đã trở lại bình thường.
Trên cơ sở kinh nghiệm từ năm 2023, Bộ Công Thương đã có những đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành cũng như chuẩn bị kỹ lưỡng về công tác cấp đện cho năm 2024.
Theo đó, ngày 30/11/2023, Bộ Công Thương đã ban hành 3 Quyết định liên quan đến điện bao gồm: Quyết định số 3110/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024; Quyết định số 3111/QĐ-BCT, phê duyệt biểu đồ cấp than cho sản xuất điện năm 2024, Quyết định số 3112/QĐ-BCT phê duyệt kế hoạch cấp khí cho sản xuất điện năm 2024.
Tiếp đến ngày 29/12/2023, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 3376/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô (tháng 4, 5, 6, 7) trong năm 2024.
Theo dự báo năm 2024, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc năm 2024 là 306,259 tỷ kWh, trong đó mùa khô là 148,489 tỷ kWh và mùa mưa là 157,769 tỷ kWh, bám sát mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2024 tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 ngày 09 tháng 11 năm 2023 của Quốc hội.
Để đảm bảo nguồn nhiên liệu than, khí, nguồn nước…cho sản xuất điện cũng như phương án vận hành hệ thống điện quốc gia an toàn, trong các quyết định của Bộ Công Thương đều giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan đơn vị, liên quan.
Cụ thể, đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lập các kế hoạch cung cấp điện chi tiết, cụ thể cho từng tháng, từng tuần; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng đang thực hiện và các dự án có trong kế hoạch được phê duyệt đảm bảo giải toả công suất cho các nguồn điện, giảm tải cho các đường dây, máy biến áp đang phải vận hành đầy và quá tải.
Tập đoàn PVN thực hiện đồng bộ các giải pháp trong quá trình thực hiện phương án cung cấp, ưu tiên huy động khí cho sản xuất điện đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện, bảo đảm hiệu quả tối ưu của chuỗi khí - điện và lợi ích quốc gia.
Theo kế hoạch, sản lượng khí cấp cho sản xuất điện năm 2024 là 4.191 - 4.470 tỷ m3. Trong đó: Khu vực Đông Nam Bộ: 2,943 - 3,060 tỷ m3; Khu vực Tây Nam Bộ: 1,248 - 1,410 tỷ m3.
Tập đoàn TKV, Công ty Than Đông Bắc lập kế hoạch sản xuất nhằm đảm bảo ưu tiên cung cấp than đầy đủ, liên tục, đảm bảo khối lượng, chất lượng, đúng chủng loại cho các nhà máy nhiệt điện than theo các điều khoản hợp đồng đã ký để đảm bảo phát điện. Dự kiến sản lượng than cho sản xuất điện cần chuẩn bị năm 2024 là 74.307 nghìn tấn than; trong đó, các nhà máy thiết kế sử dụng than nhập khẩu khoảng 26.084 nghìn tấn.
Song song với việc đảm bảo nguồn cung cho phát điện, việc thực hiện các chương trình về Quản lý nhu cầu điện và Sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả cũng là một giải pháp rất quan trọng cho hệ thống điện quốc gia không những trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Cục, Vụ liên quan trong công tác quản lý, giám sát, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp theo chức năng nhiệm vụ được giao nhằm nâng cao công tác quản lý về năng lượng cũng như đảm bảo cung cấp điện năm 2024.
Tinh thần chung là không để thiếu nhiên liệu cho sản xuất điện, không để thiếu điện cho nền kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và các mục tiêu khác.
Điểm mới trong công tác chỉ đạo, điều hành
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, nếu như các năm trước, chúng ta chỉ xây dựng và ban hành Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia cho cả năm thì năm 2024, có thêm 3 quyết định nữa về cấp than, cấp khí và cấp điện cho các tháng cao điểm mùa khô. Song song với đó, công tác rà soát, dự báo, điều chỉnh, báo cáo được triển khai theo từng quý, tháng và tuần. Đó là chưa kể đến các văn bản chỉ đạo thường xuyên.
Trên thực tế, để đảm bảo cấp điện cho năm 2024, Bộ đã chủ động họp với các Tập đoàn, tổng công ty, đơn vị liên quan quán triệt, triển khai nhiệm vụ. Trong đó, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị phải có báo cáo cụ thể, thậm chí từng nhà máy nhiệt điện than phải báo cáo kế hoạch, phương án sản xuất; Kế hoạch, phương án sửa chữa, bảo dưỡng các tổ máy; Tổng khối lượng than trong năm là bao nhiêu, mua ở đâu (thể hiện bằng hợp đồng cụ thể), từ nguồn nào? Tình hình lưu trữ, vận chuyển ra sao...?
Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan quản lý, căn cứ chức năng nhiệm vụ thường xuyên đôn đốc, giám sát và kiểm tra việc chấp hành của các Tập đoàn, Tổng công ty/công ty, nhà máy nhiệt điện. Nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị nhanh chóng hoàn thiện các quy định của pháp luật; đồng hành cùng các Tập đoàn/doanh nghiệp năng lượng đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn và lưới điện nhằm tăng cường năng lực cho hệ thống điện như Yaly mở rộng, LNG Nhơn Trạch 3&4, Vũng Áng II, Quảng Trạch 1, các dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối và các dự án đường dây khác; chú trọng các dự án trong danh mục ưu tiên; Phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc đổi mới trong tác chỉ đạo, điều hành cung cấp điện là rất tích cực, vừa giúp giúp cập nhật thường xuyên tình hình hệ thống điện để có phương án điều chỉnh kịp thời; vừa nâng cao vai trò trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, gắn trách nhiệm của từng cơ quan đơn vị, cá nhân; hạn chế những yếu tố tiêu cực trong huy động nguồn điện, vận hành hệ thống.
Tin rằng với sự vào cuộc chủ động của các cơ quan đơn vị với những giải pháp cụ thể, việc cấp điện cho nền kinh tế - xã hội năm 2024 sẽ được đảm bảo.
Theo Báo Công Thương.

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151