Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ ba, 07/05/2024 | 18:12 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Hoạt động ERAV

Lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Thông tư quy định thực hiện thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện.

12/04/2021
Bộ Công Thương giao Cục Điều tiết điện lực tổ chức thực hiện dự án nghiên cứu xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện.
​Ngày 8 tháng 4 năm 2021, Dự thảo Thông tư quy định thực hiện thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện (Dự thảo 2) đã chính thức được lấy ý kiến rộng rãi trên trang website của Cổng thông tin Chính phủ, Bộ Công Thương và Cục Điều tiết điện lực.
Kinh nghiệm của các nước trên thế giới, cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và khách hàng (Cơ chế DPPA) đang trở thành xu thế tại nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Thụy Điển, Úc, Na Uy, Hà Lan, Mexico, Ai-len …với sự tham gia và ủng hộ mạnh mẽ của các Tập đoàn lớn như Apple, Google, Facebook, Amazon, Microsoft, đây được xem là cơ chế tiếp theo của cơ chế giá ưu đãi FIT nhưng mang tính chất bền vững và lâu dài hơn. Theo số liệu thống kê trên trang BloombergNEF, tính đến hết năm 2019, tổng công suất các dự án theo cơ chế mua bán trực tiếp trên toàn cầu khoảng 52,6 GW, trong đó có 19.5 GW ký mới năm 2019.
Tại Việt Nam, từ năm 2017, Bộ Công Thương đã giao Cục Điều tiết điện lực tổ chức thực hiện dự án nghiên cứu xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện. Ngày 12 tháng 6 năm 2019, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo tham vấn lấy ý kiến rộng rãi về thiết kế và kế hoạch thí điểm mua bán điện trực tiếp cho Việt Nam với sự tham gia của các đại biểu đến từ nhiều tổ chức đối tác quốc tế (như World Bank, ADB, GIZ, AfD và VEPC), các nhà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo và khách hàng tiềm năng mua năng lượng tái tạo (như: Sunseap; Norsk Solar, Heineken, ABB, Apple…). Theo đó, mô hình mua bán điện trực tiếp thông qua hợp đồng tài chính (mô hình Synthetic PPA) được lựa chọn áp dụng tại Việt Nam. Trong mô hình này, Khách hàng sử dụng điện và đơn vị phát điện sẽ ký kết một hợp đồng tài chính song phương dạng hợp đồng kỳ hạn với mức giá và sản lượng điện cố định do hai bên tự thỏa thuận. Khách hàng sử dụng điện mua điện từ Tổng công ty điện lực theo giá điện được tham chiếu đến giá thị trường điện giao ngay trong từng chu kỳ. Bên cạnh đó, Khách hàng sẽ thanh toán cho Tổng công ty điện lực chi phí dịch vụ mua bán điện trực tiếp cho toàn bộ sản lương điện tiệu thụ bao gồm các chi phí truyền tải điện, chi phí phân phối điện, chi phí vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện và chi phí dịch vụ phụ trợ.
Theo Quyết định 2093/QĐ-BCT ngày 07 tháng 8 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về phê duyệt đề án thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, trong giai đoạn từ 2022 đến 2024, Khách hàng sử dụng điện sẽ tham gia mua điện trên thị trường điện giao ngay. Do đó, việc thí điểm mua bán điện trực tiếp theo cơ chế DPPA nêu trên được xem là một bước chuẩn bị cho việc vận hành của thị trường bán lẻ điện cạnh tranh theo lộ trình được duyệt và góp phần thúc đẩy phát triển bền vững các nguồn điện năng lượng tái tạo, qua đó thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ các tổ chức quốc tế có tham gia các cam kết quốc tế về môi trường, chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở Việt Nam.
Đối tượng tham gia trong giai đoạn thí điểm là các đơn vị phát điện sở hữu, quản lý vận hành các nhà máy điện năng lượng tái tạo đã nằm trong quy hoạch phát triển điện lực có công suất lớn hơn 30MW và các khách hàng sử dụng điện mua điện từ cấp điện áp 22kV trở lên cho mục đích sản xuất công nghiệp được chủ động đàm phán, thỏa thuận về giá mua bán điện và sản lượng điện thông qua việc ký kết hợp đồng kỳ hạn. Các giao dịch mua bán điện giữa các bên liên quan được thực hiện trực tiếp qua thị trường điện giao ngay theo Quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh do Bộ Công Thương ban hành. Quy mô trong giai đoạn thí điểm mua bán điện trực tiếp được quy định không vượt quá 1.000 MW.
Để tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp, khách hàng sử dụng điện và đơn vị phát điện sẽ chủ động hợp tác ký kết thỏa thuận tham gia chương trình thí điểm và chuẩn bị hồ sơ đăng ký tham gia theo các yêu cầu được quy định tại Dự thảo Thông tư. Dự kiến sau 60 ngày triển khai lấy ý kiến rộng rãi theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Cục Điều tiết điện lực sẽ tổng hợp ý kiến góp ý và hoàn thiện Dự thảo Thông tư để gửi Vụ Pháp chế thẩm định trước khi lấy ý kiến của Lãnh đạo Bộ và trình Bộ trưởng ký ban hành Thông tư, dự kiến trong quý 3 năm 2021. Sau khi Thông tư có hiệu lực, Bộ Công Thương/Cục Điều tiết điện lực sẽ chính thức công bố thực hiện thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện; đồng thời mở cổng đăng ký trên Trang thông tin thí điểm của chương trình để Đơn vị phát điện và Khách hàng sử dụng điện cùng chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký tham gia. Các đơn vị phát điện và Khách hàng sử dụng điện sau khi được công bố tham gia thí điểm sẽ tiến hành đàm phán, ký kết các hợp đồng liên quan và hoàn thành việc xây dựng nhà máy điện năng lượng tái tạo để đưa vào vận hành thương mại theo thời gian đã cam kết. Cục Điều tiết điện lực sẽ tổ chức các chương trình đào tạo, phổ biến để hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị, khách hàng có mong muốn tham gia chương trình.
Sau thời gian vận hành và thực hiện thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp, căn cứ kết quả vận hành các giao dịch theo cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp, Cục Điều tiết điện lực sẽ tổ chức đánh giá các khía cạnh về pháp lý, thị trường, kỹ thuật và tài chính để đề xuất các nội dung hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định về việc áp dụng chính thức cơ chế này.
Dự thảo 2 Thông tư quy định thực hiện thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện được đăng tải trên trang website của Bộ Công Thương theo đường link sau:
Mọi ý kiến góp ý và các thông tin liên quan khác, đề nghị liên hệ qua địa chỉ email: [email protected] và [email protected]

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151