Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ sáu, 10/05/2024 | 10:29 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Hoạt động ERAV

Hội thảo tham vấn trung gian về “Đánh giá tình hình thực hiện Lộ trình phát triển Lưới điện Thông minh tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế”

25/11/2021
Các chuyên gia tư vấn đã đánh giá hiện trạng phát triển lưới điện thông minh của Việt Nam theo các tiêu chí đánh giá thông dụng đang được sử dụng trên thế giới.
Ngày 18 tháng 11 năm 2021, Cục Điều tiết điện lực (ĐTĐL) - Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức hội thảo tham vấn trung gian về “Đánh giá tình hình thực hiện Lộ trình phát triển Lưới điện Thông minh tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế” trong khuôn khổ dự án “Ứng dụng Lưới điện Thông minh để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả - SGRE-EE” do Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ thông qua Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế 
Lộ trình phát triển Lưới điện Thông minh tại Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt tại Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2012, trong đó giao Bộ Công Thương là đơn vị chủ trì chỉ đạo triển khai thực hiện. Mục tiêu của Lộ trình phát triển Lưới điện Thông minh tại Việt Nam là phát triển lưới điện thông minh với công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện; góp phần trong công tác quản lý nhu cầu điện, khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tạo điều kiện nâng cao năng suất lao động, giảm nhu cầu đầu tư vào phát triển nguồn và lưới điện; tăng cường khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Để đánh giá hiện trạng triển khai lưới điện thông minh tại Việt Nam, nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế, qua đó đề xuất xây dựng chương trình phát triển Lưới điện thông minh tại Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo, trong khuôn khổ dự án hỗ trợ kỹ thuật do Chính phủ Cộng hòa liên bang Đức tài trợ, ngày 18 tháng 11 năm 2021, Cục Điều tiết điện lực đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), Đơn vị tư vấn tổ chức hội thảo tham vấn trực tuyến “Đánh giá tình hình thực hiện Lộ trình phát triển Lưới điện thông minh tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế”.
Hội thảo thu hút gần 100 đại biểu là đại diện của các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, đại diện đến từ các Bộ ngành, cơ quan, đơn vị có thành viên thuộc Ban chỉ đạo phát triển Lưới điện thông minh, các đại diện đến từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia, các Trung tâm điều độ hệ thống điện miền, các Tổng công ty Điện lực, Công ty điện lực, các Tổng công ty Phát điện, các Hiệp hội, Viện Nghiên cứu, Trường đại học và một số tổ chức quốc tế.
Trong buổi Hội thảo, các chuyên gia tư vấn quốc tế đã trình bày những đánh giá toàn diện về kết quả triển khai Lưới điện thông minh của Việt Nam. Kết thúc giai đoạn 1 (2012-2016) và đang triển khai giai đoạn 2 (2018 – 2022), Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực như: (i) Từng bước triển khai hạ tầng công nghệ hỗ trợ tự động hóa hệ thống điện, hỗ trợ tích hợp năng lượng tái tạo; (ii) Nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện; (iii) Triển khai chương trình công tơ điện tử; (iv) Bước đầu triển khai các chương trình quản lý nhu cầu điện. Các chuyên gia tư vấn đã đánh giá chi tiết các kết quả cụ thể đã đạt được trong giai đoạn vừa qua như việc cải thiện nâng cao tỷ lệ kết nối SCADA, triển khai hạ tầng đo đếm từ xa, triển khai trạm biến áp không người trực, trạm biến áp số, trung tâm điều khiển xa nhóm các nhà máy điện và nhóm trạm biến áp, cải thiện các chỉ số độ tin cậy cung cấp điện (SAIDI, SAIFI, MAIFI), các dự án nghiên cứu, thí điểm công nghệ mới của các đơn vị điện lực. Đồng thời, các chuyên gia tư vấn đã đánh giá hiện trạng phát triển lưới điện thông minh của Việt Nam theo các tiêu chí đánh giá thông dụng đang được sử dụng trên thế giới.
Tại buổi hội thảo, các chuyên gia Tư vấn cũng đã trình bày kinh nghiệm phát triển lưới điện thông minh của một số nước phát triển trên thế giới thuộc Tổ chức mạng lưới quốc tế về lưới điện thông minh ISGAN - International Smart Grid Action Network. Đồng thời, Tư vấn cũng trình bày chi tiết cách thức đánh giá và những khuyến nghị ban đầu về 04 tiêu chí trên tổng số 08 tiêu chí về phát triển lưới điện thông minh đang sử dụng phổ biến trên thế giới, cụ thể bao gồm: (i) Tiêu chí về Giám sát và điều khiển: Khuyến nghị triển khai hệ thống giám sát SCADA trên tất cả các cấp điện áp, bổ sung các tính năng như giảm tổn thất trên lưới, xác định và cô lập sự cố, phục hồi hệ thống sau khi sa thải phụ tải cho hệ thống quản lý lưới điện phân phối (DMS/ADMS) và tăng cường phối hợp giữa các đơn vị phân phối và truyền tải nhằm đảm bảo an ninh, ổn định của lưới điện; (ii) Tiêu chí về Phân tích dữ liệu: Khuyến nghị đẩy nhanh tiến độ lắp đặt công tơ thông minh ở khu vực miền Nam, triển khai các tính năng phát hiện mất điện của công tơ thông minh, thiết lập các trung tâm lớn lưu trữ dữ liệu công tơ (Big data), thành lập thị trường điều chỉnh phụ tải điện, phổ biến ứng dụng di động và trang web theo dõi tiêu thụ năng lượng và mô hình nhà máy điện ảo; (iii) Tiêu chí về Độ tin cậy cung cấp điện: Khuyến nghị triển khai kỹ thuật phân tích dự đoán công tác bảo trì cho lưới điện, ứng dụng quản lý sự cố và phục hồi hệ thống; (iv) Tiêu chí về Tích hợp các nguồn năng lượng phân tán: Bổ sung quy định trong cơ chế đấu nối theo đó cho phép hệ thống năng lượng tái tạo phân tán cung cấp dịch vụ phụ trợ, có lộ trình phát triển năng lượng hydro và công nghệ sản xuất nhiên liệu khí từ điện năng (Power-to-gas), lắp đặt hệ thống lưu trữ năng lượng cho phục vụ các chức năng như cung cấp dịch vụ phụ trợ, lưu trữ năng lượng tái tạo dư thừa, dự phòng năng lượng, các chức năng trong thị trường điện.  
Hội thảo tham vấn đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội thảo, qua đó tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh lại các Tiêu chí và đưa ra đề xuất kiến nghị, phù hợp sát thực tế hơn đối với Lộ trình phát triển Lưới điện thông minh tại Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo. Dự kiến Hội thảo tổng kết về việc nghiên cứu, đề xuất Lộ trình phát triển lưới điện thông minh cho giai đoạn tiếp theo sẽ được tổ chức vào tháng 12 năm 2021./.
Cục Điều tiết điện lực

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151