Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ ba, 18/06/2024 | 20:18 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Giám sát cung cấp điện

Doanh nghiệp chia sẻ cùng ngành Điện

13/06/2024
Trước nhu cầu sử dụng điện tăng cao dịp hè, nhằm bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định, nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Hà Nội đã tham gia chương trình điều chỉnh và dịch chuyển biểu đồ phụ tải.
Không chỉ "chia lửa" cùng ngành Điện, việc tham gia điều chỉnh phụ tải còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm hàng trăm triệu đồng tiền điện mỗi tháng...
Nhân viên Công ty Điện lực Đông Anh hướng dẫn sử dụng tiết kiệm điện tại Công ty cổ phần Sản xuất cơ khí Thành Công. Ảnh: Bảo Hân
Từ sự chủ động của doanh nghiệp
Mùa hè năm 2024 là năm thứ 2 Công ty TNHH Nhôm Việt Ý (Khu công nghiệp Nguyên Khê, huyện Đông Anh) cùng Công ty Điện lực Đông Anh tham gia điều chỉnh phụ tải (DR). Thông thường, công ty tiêu thụ khoảng 330.000 kWh/tháng, tương ứng gần 6 tỷ đồng tiền điện/năm.
Góp phần hạn chế tình trạng quá tải trên lưới điện vào cao điểm nắng nóng, công ty đã phối hợp với Công ty Điện lực Đông Anh đo công suất của từng thiết bị trong nhà máy, dừng vận hành một số máy móc trong khung giờ cao điểm và chuyển sang sử dụng vào giờ thấp điểm. Giám đốc Công ty TNHH Nhôm Việt Ý Nguyễn Hữu Xuân phấn khởi thông tin, 5 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp đã tiết kiệm được 15% tiền điện.
Chia sẻ cụ thể hơn, ông Nguyễn Hữu Xuân cho biết: Chúng tôi ưu tiên sản xuất vào khung giờ thấp điểm như sáng sớm hoặc ban đêm, đồng thời khuyến khích công nhân sản xuất vào ngày thứ bảy, chủ nhật và nghỉ bù vào những ngày khác trong tuần. Tại khu vực xưởng gia công, công ty lắp thêm thiết bị để các mô tơ tự động giảm mức tiêu thụ điện khi vận hành. Chúng tôi yêu cầu công nhân tắt thiết bị điện không cần thiết khi rời vị trí. Khu vực văn phòng, nhiệt độ điều hòa được đặt hợp lý, kết hợp tận dụng ánh sáng tự nhiên để giảm thiết bị chiếu sáng...
Phó Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Nhôm Việt Ý Nguyễn Tuất Linh kể, sau khi được nhắc nhở liên tục, công nhân đã thay đổi thói quen. Mọi người đều tự giác bởi chỉ với hành động nhỏ, doanh nghiệp tiết kiệm được gần trăm triệu đồng tiền điện mỗi tháng.
Tiết kiệm được số tiền lớn chỉ nhờ những thay đổi nhỏ trong sản xuất cũng là lợi ích mà Xí nghiệp Sản xuất bao bì Vĩnh Tuy (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) đạt được. Đầu tháng 4-2024, xí nghiệp đã chủ động dừng các tổ máy có công suất cao vào khung giờ cao điểm, chuyển sang hoạt động vào giờ thấp điểm. Đồng thời, xí nghiệp tăng cường vận hành các dây chuyền sản xuất thủ công, tiêu thụ điện thấp, từ đó tiết kiệm tương ứng gần 1 tỷ đồng tiền điện.
Phó Giám đốc Xí nghiệp Sản xuất bao bì Vĩnh Tuy Trần Anh Tuấn cho biết, đơn vị đã phối hợp với ngành Điện rà soát quá trình sử dụng, lập kế hoạch và đề xuất phương án, biện pháp tiết kiệm điện. Hiện nay, đơn vị đã chủ động tiết giảm 10-15% lượng điện tiêu thụ.
Dần tạo thói quen tiết kiệm điện
Cùng nằm trên địa bàn huyện Đông Anh, Công ty cổ phần Sản xuất cơ khí Thành Công cũng được hướng dẫn phương thức dịch chuyển biểu đồ phụ tải. Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất cơ khí Thành Công Nguyễn Quang chia sẻ, do đặc thù sản xuất, hoạt động tiêu thụ nhiều điện chủ yếu tập trung vào buổi tối. Để tránh khung giờ cao điểm 22-24h, công ty đã lùi thời gian ca làm việc đêm, từ đó giảm lượng điện tiêu thụ tổng thể trên hệ thống.
“Ca làm việc bắt đầu muộn hơn và kéo dài đến sáng hôm sau, kết thúc vào lúc 4-5h tùy từng ngày. Việc điều chỉnh nhỏ nhưng không chỉ giúp bảo đảm hệ thống điện an toàn, mà còn tiết kiệm được chi phí do giá sử dụng điện vào khung giờ thấp điểm rẻ hơn, nên công nhân đều vui vẻ thực hiện. Ngoài thay đổi về khung thời gian làm việc, trong giờ cao điểm, những máy móc tiêu thụ điện năng lớn sẽ được hạn chế sử dụng. Công nhân chỉ vận hành máy trong trường hợp thật cần thiết”, ông Nguyễn Quang nói.
Chia sẻ về các giải pháp tiết kiệm điện với doanh nghiệp, khách hàng trên địa bàn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đông Anh Trần Đăng Hoàn cho hay, công ty đã rà soát và lên danh sách các khách hàng lớn, đặc biệt là nhóm sử dụng điện với sản lượng trên 1 triệu kWh/năm để tuyên truyền, vận động hạn chế sản xuất trong các khung giờ 12-15h và 22-24h hằng ngày, từ tháng 5 đến tháng 7. Từ hiệu quả thực tiễn, ngành Điện đã nhận được sự ủng hộ, đồng hành của khách hàng lớn.
Trên địa bàn huyện Đông Anh hiện có 60 khách hàng lớn đã ký cam kết điều chỉnh phụ tải. 38/38 khách hàng sử dụng dưới 1 triệu kWh/năm cũng đã ký kết và hàng nghìn khách hàng sản xuất, kinh doanh, khách hàng lẻ ủng hộ chương trình tiết kiệm điện. Còn trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội, hiện tại đã có gần 3.500 khách hàng ký thỏa thuận và tham gia chương DR, với công suất tiết giảm được khoảng 230.000kWh.
Theo Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội, trước dự báo thời tiết nắng nóng gay gắt có thể xảy ra trong mùa hè năm nay, việc triển khai các biện pháp tiết kiệm điện là cần thiết, để bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định và giảm bớt áp lực cho hệ thống điện. Nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố đã tham gia chương trình điều chỉnh và dịch chuyển biểu đồ phụ tải với ý nghĩa “chia lửa” cùng ngành Điện. Việc làm này thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, lâu dài hình thành thói quen của toàn xã hội về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Theo Báo Hà Nội mới.

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151